Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Những món ăn vặt của giới trẻ Sài Gòn

Nhu cầu ăn vặt không thể thiếu với các bạn học sinh, sinh viên, đặc biệt là lúc tan trường và chờ đến giờ học thêm lúc chiều tối. Nhiều teen thú nhận những món ăn giản dị mà không được ăn mỗi ngày là “chịu hổng nổi”.


Bánh tráng nướng Sài Gòn được du nhập từ Đà Lạt, có thay đổi là tráng bằng 2 quả trứng cút và thịt heo bằm. Giá 5000 đồng/chiếc. Nguồn: thunguyen, Flickr.



Bánh tráng trộn được teen thích mê tơi, được bày bán gần các cổng trường học, cổng nhà thiếu nhi các quận. Gốc từ Tây Ninh nhưng giờ bánh tráng trộn đã thuộc “bản quyền” của “teen Sài thành”.  Giá 7000-10.000 đồng/bịch. Nguồn: Chicz Chuot, Flickr.




Bột chiên là món mắc tiền hơn cả (từ 12-15 ngàn/đĩa) nhưng vẫn lọt vào tầm ngắm đều đều của teen. Nguồn: blog.yume.vn.




Món gỏi bò khô là một trong những món đầy quyến rũ bởi vị chua, cay, mặn, ngọt. Teen nhà ta khoái ăn món này ở góc công viên Lê Văn Tám, Q1. Giá 15 ngàn/ đĩa. Nguồn: diadiemanuong.




Một món thuộc hệ thơm-ngon-bổ rẻ là bắp xào tép (moi biển). Chỉ cần 5000 đồng là teen đã có một đĩa nhỏ để nhâm nhi cho đỡ buồn! Nguồn: zing.vn.




Mưa Sài Gòn thường được ví với tính cách nhõng nhẽo của người con gái- trời đang nắng bỗng đổ mưa rồi lại có thể lại nắng ngay. Những lúc như vậy, teen nhà ta có thể thưởng thức cút lộn xào me với niềm vui không thể tả. Nguồn: amthucbonphuong.vn



Cá viên chiên là món tủ của các bạn học sinh, sinh viên, dằn cái bụng rất tốt trước buổi học thêm chiều tối. Nguồn: ione.net.



Sài Gòn có đủ thứ chè. Nào là chè Thái, chè Mỹ, chè các loại đậu, chè sen, chè khoai môn, chè thập cẩm, chè sương sa, sương sáo…nhưng teen ưa nhất là món chè Thái có vị sầu riêng. Nhóm bạn vừa ăn vừa tám chuyện bên ly chè trái cây và thạch đủ màu sắc là “phê” nhất. Nguồn: thamquan.vn.

Tin Tin

Bị ngộ độc khuẩn salmonella do ăn gà rán KFC

Tòa án tối cao New South Wales (Úc) vừa buộc Tập đoàn thức ăn nhanh KFC bồi thường hơn 8 triệu AUD cho gia đình bé gái Monika Samaan bị ngộ độc khuẩn salmonella dẫn đến tổn thương não do ăn gà rán Twister của KFC năm 2005.
Monika và cha rời phiên tòa - Ảnh: APP 


Gia đình Monika Samaan cho biết chỉ một ngày sau khi ăn gà rán ở nhà hàng Villawood KFC ở New South Wales, cô bé 7 tuổi đã hôn mê suốt sáu tháng. Sau đó, Monika bị liệt tứ chi do não tổn thương nặng. Monika hiện phải ngồi xe lăn và không nói được.

Trong phiên xử sơ thẩm năm 2010, cha của Monika cho biết vợ chồng ông cùng con trai cũng phải nhập viện vì ói và tiêu chảy sau khi ăn cùng miếng gà rán với Monika. Luật sư của gia đình nạn nhân cáo buộc trong lúc đông khách, nhân viên nhà hàng Villawood KFC đã sử dụng thịt gà rơi dưới đất để phục vụ khách. KFC bác bỏ cáo buộc này và cho biết sẽ kháng án.

Gia đình Monika đã khởi kiện KFC từ năm 2009. Trong tháng 10-2005, 10 người cũng có triệu chứng ngộ độc thức ăn sau khi ăn thức ăn nhanh của Villawood KFC. Năm 2004 và 2006, KFC cũng bị kiện vì quảng cáo gà rán có thể dùng cho ăn kiêng, sử dụng dầu rán có hàm lượng chất béo chuyển hóa cao nhưng lại không có bất cứ khuyến cáo nào cho khách hàng.

MỸ LOAN (Theo The Herald Sun)

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Tận dụng đất rỗi, trồng rau sạch

Sau thông tin một số rau quả sử dụng nhiều chất bảo quản, chất kích thích gây độc cho người tiêu dùng, hiện nay nhiều người dân đô thị đã tự tay trồng rau sạch. Đó có thể là làm những giá, khay trồng rau trong nhà, hoặc tận dụng những khu đất trống.
Ngoài trồng rau trong nhà, dân đô thị  còn triệt để tận dụng những khu đất trống ở  các khu đô thị mới, các vỉa hè, đất ven ao hồ, các con sông và các vùng chưa được quy hoạch, quản lý, đất nơi công sở, thậm chí là các ô trồng cây, các dải phân cách trên đường...
Người dân qua ngã tuwe Kim Liên - Đại Cồ Việt ở đã không còn bất ngờ với dãy dài khoảng 30 hộp xốp trông đươc xếp dọc theo ray tàu hỏa. Đó là 'vườn" rau sạch của những công nhân gác đường tàu và người dân ở gần nơi đây. Hàng ngày, họ chăm tưới cẩn thận và bất chấp khói bụi những người trồng vẫn có thu hoạch đều đặn.
Với một khoảng đất rộng hơn 6m, dài 15m trong ngõ 54 Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, HN đang trong quá trình chờ để làm lại đường, các bà nội trợ xung quanh khu đất cũng tranh thủ trồng rau. Sau khi dọn dẹp đất đá, các mảnh vụn cứng... khi làm đường, người dân ở đây lấy ít đất, cát phủ lên rồi trồng, tỉa rau sạch. Với một ít giống đi mua, cộng với xin ở người ở quê lên là cả khu đã có một vườn rau xanh mướt với đủ loại mà lại an toàn.
Bác Trần Thị Thanh ở số nhà 15 trong ngõ này nói: "Rau mình trồng nên không sợ chi cả. Ngày nào các bác ở đây cũng ra chăm sóc, tưới tiêu. Vừa vui lại có rau sạch ăn. Như nhà tôi, tháng tầm tiết kiệm được hơn triệu tiền rau đó".
Luống rau trong thùng xếp bên vệ đường ven sông Tô Lịch đang thi công. (Ảnh ĐT)
Trong khi đó, trên đường Kim Giang, Thanh Xuân, HN, dọc theo con sông Tô Lịch, người dân  ở đây cũng tranh thủ trồng rau. Vì có đất trống trên nhiều đoạn đường đang thi công dở, cộng với đất cạnh sông Tô Lịch nên mọc lên rất nhiều vườn rau mini. Chỗ có đất ít sỏi đá thì người dân trồng thành từng mảnh, luống và rào chắn xung quanh, chỗ ít đất hoặc quá khô cằn thì lại sử dụng những hộp xốp nhỏ rồi cho đất trồng rau lên. Đặc biệt,  vì đang xây dựng nên dọc tuyến đường này có nhiều ô vuông trên vỉa hè đáng lẽ được trồng cây bóng mát nhưng người dân cũng tận dụng luôn để trồng rau.
Ở các khu đô thị, đặc biệt là khu đô thị mới, việc quy hoạch chưa hoàn thành nên vẫn còn khá nhiều khu đất trống. Tận dụng nó, dân đô thị cũng thi nhau trồng rau sạch. Quanh khu vực Cầu Dậu, các nhà chung cư như CT2, CT4 ở khu đô thị mới Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai có khá nhiều vườn rau, chủ yếu là rau bí, rau lang và rau muống được trồng ở đây vì chúng khá dễ sống. Một khu đô thị mới cũng được dân đô thị thi nhau trồng rau là Mỗ Lao, Hà Đông. Tại đây, nhiều vùng đất còn cây cối rậm rạp, bên cạnh đó là những luống rau được các bà nội trợ coi sóc kỹ lượng.
Công trường xây chung cư dang dở cũng tận dụng trồng rau. (Ảnh ĐT)
Quanh khu vực hồ Định Công, Hoàng Mai cũng là vùng đất được người dân ưa chuộng trồng rau sạch. Bác Trần Văn Minh sống quanh khu vực này chia sẻ: "Vì gần ao, sẵn nguồn nước nên rau rất dễ sống, không phải dùng thuốc chi cả".
Trên đường Nguyễn Xiển, đi từ  Cầu Dậu đến Ngã tư Khuất Duy Tiến -  Nguyễn Trãi, nhiều vùng đất rộng cũng chưa được quy hoạch cũng được sử dụng để trồng rau. Ở  đây có đầy đủ các loại rau sạch được trồng.
Luống rau trên vỉa hè làm dở của đường Kim Giang. (Ảnh ĐT)
Một khu đất rất rộng ngay sát trên trục đường Ngô Thì Nhậm, Hà Đông cũng là một vườn rau xanh. Đây là khu đất giãn dân nhưng chưa được chia xong. Vì thế, chúng đã được để trống hơn 2 năm. Thấy đất bỏ hoang chưa được sử dụng, nên một phần được làm sân bóng, phần còn lại được người dân tận dụng trồng rau. Nếu nhìn qua thì chắc chắn ai cũng nghĩ đó là một vườn rau thực thụ nhưng thực ra đó là những mảnh rau ngắn hạn của các bà quanh khu vực này.
Bác Hoàng Thị Khanh, số 12 Ngô  Thì Nhậm nói: " Mỗi bà một tí, mỗi nhà  một vài mét vuông chia nhau ra mà trồng. Khi nào nhà  nước lấy đất chia hết cho các hộ thì chúng tôi trả. Vì trồng rau sạch, không dùng thuốc, tưới bằng nước ở nhà nên nhìn không được đẹp, lại lâu công nhưng ăn thì rất ngon".

Đức Tình
(Nguồn vef.vn)

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Kinh khủng cua xay, thịt xay

Thịt lợn xay, cua xay, thịt bò thái sẵn… được đông đảo người tiêu dùng chọn lựa bởi sự tiện dụng chúng mang lại. Tuy nhiên, thực tế là hầu hết các sản phẩm này đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế.
Tại các chợ thực phẩm ở Hà Nội như chợ Dịch Vọng, chợ Cầu Giấy, chợ Bưởi, chợ Cổ Nhuế... và các địa điểm họp chợ gần khu đông dân, các quầy thực phẩm trang bị những chiếc máy xay thịt, cua…ngay tại chỗ phục vụ cho khách mua hàng. Tuy nhiên, quá trình sơ chế các thực phẩm này không hề đảm bảo vệ sinh.


Chỉ nhúng nước rồi cho vào xay

Chị Nguyễn Thị Huyền (Cổ Nhuế, Từ Liêm) cho hay, chị đã từng đi mua thịt lợn xay xẵn ở chợ. Ở đây chị đã tận mắt chứng kiến, khi cắt xong phần thịt khách đã chọn mua, người bán hàng chỉ việc nhúng qua thịt vào nước, sau đó cho lên máy xay. Khi thấy người bán hàng làm vậy, chị có phàn nàn thì họ nói “không chết được đâu mà sợ”.

Theo quan sát của PV, một số địa điểm bán thực phẩm nằm ngay cạnh đường lớn, nơi có nhiều xe cộ qua lại. Hàng ngày, bụi bẩn ở bên đường gây ô nhiễm, làm thực phẩm mất đi sự tươi ngon. Mặc dù biết vậy song nhiều người bán hàng không hề trang bị vật dụng để che đậy, làm thực phẩm bị ô nhiễm.



Các quầy thực phẩm được bày bán ngay gần đường




“Nhúng qua nước là còn may, hôm trước đi mua thịt xay, thấy mình không để ý, chị bán hàng cho vào xay luôn không cần rửa. Mình nhìn thấy hoảng hồn, chị bảo “thịt sạch mà, không cần rửa”. Mình nhất quyết không đồng ý thì chị ấy cầm miếng thịt, thả vào xô nước bẩn đầy mỡ màng rồi cho vào xay” – Thu Hường, một người dân sống tại khu vực Cầu Giấy cho biết.
Một xô nước được dùng để rửa thịt cho rất nhiều lần khác nhau. Mỗi khi có khách mua hàng yêu cầu xay thịt, các chị bán hàng cứ việc thả thịt vào trong xô, coi như đã rửa rồi cho ra xay.



Xô nước để rửa thịt đầy váng mỡ, được dùng lại nhiều lần



Chiếc máy xay thịt cũng không hề đảm bảo vệ sinh, nó được dùng đi dùng lại rất nhiều lần mà không hề được lau rửa hay che đậy. Chiếc máy này luôn trong tình trạng bám đầy thịt dính lại sau lần xay thịt trước đó.

Theo afamily.vn, thịt xay thực ra hoàn toàn không tốt vì nó dễ dàng bị nhiễm các loại vi trùng từ máy xay, đặc biệt là khi bạn mua thịt xay ở chợ, một máy xay có thể xay rất nhiều thịt. Hơn nữa, quy trình chế biến thịt để xay ở chợ không hợp vệ sinh.

Không chỉ thịt lợn, các mặt hàng thủy, hải sản như tôm, cua, ốc, cá… cũng sẵn sàng được sơ chế khi khách hàng yêu cầu. Đáng chú ý là cách sơ chế cua. Những con cua được đặt ở trong chậu, cả những con còn sống và những con đã chết. Khi mua hàng khách sẽ chọn cua, cho vào một cái xô. Tiếp đó, người bán hàng sẽ đổ nước vào xô đựng cua, xóc qua rồi gạn bỏ nước. Số cua trong xô được nhanh chóng bỏ mai, lấy gạch và cho vào máy xay xay nhuyễn. Điều đáng nói ở đây là, số cua bẩn chỉ được xóc qua một lần nước rồi nảy gạch và cho vào máy xay. Nước rửa cua thường đục ngầu bùn đất.



Xô nước rửa cua đục ngầu và chỉ được rửa duy nhất một lần.

Bóc mai và khều gạch cua...

...rồi cho vào máy xay ngay ở chợ.
Thịt bò được thái mỏng để trong khay nhôm hoặc đĩa nhựa, chỉ cần khách hỏi mua là lập tức có hàng. Đa phần những người mua hàng không để ý đến việc vệ sinh thịt bò trước khi thái, chỉ thấy thịt đỏ tươi, nhìn ngon mắt là mua ngay. Ít ai biết rằng trước khi thái thịt bò, nhiều người bán hàng thậm chí không rửa qua thịt bò.


Thịt bò thái sẵn, thịt lợn xay và cả cua xay đều là thực phẩm đã qua sơ chế và không thể vệ sinh lại trước khi nấu. Thường những miếng thịt bày bán ở chợ nhìn rất ngon mắt vì đã được chủ hàng lau qua bằng một mảnh vải (chuyên dùng để lau thịt). Chính vì thế nó đã qua mắt được người tiêu dùng khiến họ tin tưởng vào độ an toàn của loại thịt mà mình mua. Tuy nhiên, liệu rằng những miếng thịt này có thực sự “an toàn” khi chỉ được nhúng qua nước rồi cho lên xay?

Biết bẩn mà vẫn mua

Hiện nay, hầu hết các hàng bán thịt và thủy sản đều trang bị cho mình một máy xay thịt tại chỗ (máy xay thủ công hoặc xay bằng máy) để phục vụ khách. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể tiết kiệm được thời gian, công sức khi chế biến món ăn. Tuy nhiên, thực phẩm đã xay sẵn hoặc thái sẵn ở chợ không đảm bảo vệ sinh.

Điều quan trọng là khi mua thịt, cua… người mua hàng sẽ được xay miễn phí. Mặc dù vậy, các quầy hàng vẫn cứ sắm máy xay để phục vụ các “thượng đế”, nếu không họ sẽ bị cạnh tranh từ các quầy khác.



Thịt bò thái sẵn. Có khách mua, người bán chỉ việc bốc bỏ vào túi nilon.
Về phía người tiêu dùng, đặc biệt là sinh viên không có phương tiện để xay thực phẩm đã chọn thịt xay sẵn, thủy sản ở chợ để chế biến món ăn. Vừa không mất tiền xay lại vừa không mất công sức khiến nhiều người không ngần ngại tìm đến những mặt hàng này.


Nhiều người vì quá bận công việc, không có nhiều thời gian dành cho việc bếp núc cũng chọn cách này để tiết kiệm thời gian.

Bác Hồng (Dịch Vọng – Cầu Giấy) cho biết: “Thịt mà xay sẵn thế này thì tiện quá còn gì, bẩn thì bẩn nhưng nấu lên vi trùng vi khuẩn nó cũng chết hết rồi, việc gì mà phải lo".

Không ít trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn không hợp vệ sinh mua ở chợ. Khi ăn phải đồ ăn bẩn sẽ bị đau bụng, rối loạn đường tiêu hóa, thậm chí nếu không cấp cứu kịp thời có nguy cơ dẫn tới tử vong.

Để giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình, mỗi người tiêu dùng cần sáng suốt lựa chọn cho gia đình mình những thực phẩm tươi sống, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo số liệu của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Y tế thì trong năm 2011 toàn quốc ghi nhận có 142 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 4.500 người mắc, trong đó hơn 80% phải đi viện. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chính là vi sinh vật (gây ra 40 vụ, chiếm 28,1%) và độc tố tự nhiên (38 vụ, chiếm 26,8%)....
Bạch Nga

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Tuổi nào hạnh phúc nhất?

Một cuộc khảo sát mới đây đã tìm ra đáp án cho câu hỏi đơn giản nhưng khá thú vị: Ở độ tuổi nào bạn hạnh phúc nhất? Câu trả lời cuối cùng là 33.



Theo trang The Sideshow, cuộc khảo sát trên do Friends Reunited (Bạn bè tụ họp) – một website của Anh tiến hành. Kết quả là, 70% số người được hỏi trên 40 tuổi cho hay, họ không tìm thấy hạnh phúc thực sự cho tới khi bước sang tuổi 33.

“Độ tuổi đó (33 tuổi) đủ để chúng ta rũ bỏ sự ngây ngô thời thơ ấu cũng như những dự định ngông cuồng thuở đôi mươi, mà không làm mất đi năng lượng và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ. Sự ngây thơ mất đi nhưng bù lại, cảm quan hiện thực được hòa trộn với niềm hy vọng mạnh mẽ, một tinh thần ‘sẵn sàng hành động’ và niềm tin lành mạnh vào tài năng cũng như khả năng của chính mình”, nhà tâm lý học Donna Dawson cho hay.

Nhóm khảo sát cũng chỉ ra một số ví dụ điển hình như Chúa Jesus bị đóng đinh vào cây thập ác năm 33 tuổi; “các ngôi sao đương đại 33 tuổi như nữ diễn viên kiêm ca sĩ Mỹ Jennifer Love Hewitt, Adam Levine – thành viên trụ cột của ban nhạc Maroon 5 và nữ diễn viên Mỹ Katie Holmes dường như đang nổi như cồn và thu được vô số thành công trong làng giải trí”.

Ngay cả những người không phải là “sao” cũng tán đồng kết quả khảo sát. Tờ New York Daily News dẫn lời Christine Possemato, 35 tuổi, đến từ bang New Jersey, Mỹ nhận định: “Ở độ tuổi đó, về sự hấp dẫn giới tính, bạn đã đạt tới “đỉnh”. Bạn tự tin, rực rỡ hơn và có thể cuốn hút các chàng trai trẻ hơn”.

Tuấn Anh

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Ăn gì cũng sợ

Từ chuyện chất kích nạc ở heo, dư luận đang lo lắng và bức xúc về nhiều loại hóa chất độc hại trong sản phẩm nông nghiệp hoặc sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

Ông Nguyễn Lân Dũng - Ảnh: Nguyễn Khánh


Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng - chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam - cho biết:

- Chất tạo nạc (đúng hơn nên gọi là chất kích nạc) là chất chứa thành phần độc hại có thể gây rung cơ, rối loạn nhịp tim, thậm chí gây ngộ độc nặng. Người chăn nuôi lại một phen điêu đứng vì bị người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm. Nguy hiểm ở chỗ ngay cả thuốc tăng trọng còn được quy định dừng việc sử dụng trước khi bán heo 14-15 ngày, chất kích nạc lại phải dùng đến tận sát ngày mổ thịt.

Dừng thuốc sớm, heo có thể bị chết. Do đó, mức độ tồn dư của độc tố trong heo thịt không ai kiểm soát được, mức độ ảnh hưởng sức khỏe cũng không dễ gì xác minh. Cơ quan chức năng đang xúc tiến việc làm test phát hiện nhanh chất độc hại này trong thịt heo, nhưng đây là việc rất khó.

Phải phân biệt rõ việc sử dụng chất kích nạc trái phép với việc chăn nuôi giống heo siêu nạc. Heo siêu nạc cần được khuyến khích vì đây là giống heo có được sau một quá trình lai tạo công phu và hoàn toàn hợp khoa học.

"Cơ quan quản lý của mình bảo sẽ kiểm soát heo dùng chất kích nạc tại chợ là không khả thi. Phạt một bà bán hàng thịt thì ăn thua gì, khi cái gốc của nó do người chăn nuôi, người sản xuất thức ăn, buôn bán và vận chuyển chất kích nạc... lại không kiểm soát nổi"
Ông Nguyễn Lân Dũng
* Nhiều người lo lắng không chỉ có chất kích nạc mà rất nhiều loại hóa chất sử dụng trong nông nghiệp đe dọa an toàn thực phẩm vẫn đang lưu hành hằng ngày...


- Rất đáng lo ngại khi hầu như cả nước đang bị nhiễm độc từ rau quả ở mức độ khác nhau bởi rất nhiều loại thuốc trừ sâu hóa học. Nguyên nhân là do người trồng rau dùng cả các loại thuốc trừ sâu độc hại ngoài danh mục cho phép (có được qua đường nhập lậu), sử dụng quá liều lượng hoặc dùng đến tận lúc sắp thu hoạch...

Nhiều nơi dùng nhiều phân đạm vô cơ sẽ dẫn đến việc tích lũy nitrat, nitrit với hàm lượng cao trong rau, nguy cơ lớn dẫn đến ung thư. Nước ngoài đã cấm dùng các loại clo hữu cơ, lân hữu cơ từ lâu nhưng các chất này vẫn bị nhập lậu, được bà con nông dân chuộng vì chúng rẻ, lại có khả năng diệt sâu nhanh. Thuốc trừ sâu sinh học diệt sâu trên cơ chế buộc sâu ngừng ăn, sau ba ngày sẽ bị chết đói, tuy rất an toàn nhưng bà con lại không ưa dùng.

Bây giờ ra đường thấy người ta trưng biển “Cửa hàng rau sạch” mà hoang mang quá. Phân biệt rau sạch, có nghĩa mặc nhiên thừa nhận có nhiều rau bẩn ư? Rau để ăn đều phải là rau sạch chứ? Nhiều người tỏ ra thông thái khi đi chợ chọn rau có dấu hiệu bị sâu ăn lá, rốt cuộc cũng không loại trừ được khả năng mua phải rau tồn dư hóa chất độc hại.

Đáng sợ hơn, người bán hàng còn trữ một lọ sâu, thỉnh thoảng rắc lên trên rau vài con để lừa người mua là rau an toàn. Thế mới có chuyện khôi hài người mua rau trả tiền xong lại bị người bán đề nghị “cho em xin lại mấy con sâu!”.

Tôi đã được lãnh đạo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn một tỉnh đưa đi xem vùng rau an toàn. Tôi hỏi lấy gì bảo đảm thì nhận được câu trả lời: “Rất đơn giản, khi thu hoạch rau được sục rửa bằng khí ozon để hút hết thuốc trừ sâu ra”. Trời ơi, thuốc trừ sâu khi xâm nhập vào rau đã bị chuyển hóa ngay rồi, không cách gì hút ra được. Ozon có tác dụng diệt vi khuẩn không có bào tử, không khác nhiều so với dùng dung dịch thuốc tím (rẻ hơn rất nhiều).

Nhiều bà nội trợ khoe sắm được máy ozon rửa rau quả cũng thế, cứ nghĩ có máy là sạch bay thuốc trừ sâu. Nhưng nói thật, dùng thuốc tím hay nước muối rẻ hơn và tiện hơn rất nhiều.

* Thỉnh thoảng người dân lại giật mình vì ngành y tế phát hiện “chất phụ gia có nguy cơ độc hại” trong thực phẩm. Nhưng rồi chính nhà quản lý lại loay hoay không biết nên cảnh báo thế nào vì nhiều nước chỉ cấm sử dụng các chất này khi vượt ngưỡng cho phép nhất định. Người tiêu dùng Việt Nam dường như vẫn thiếu những chỉ dẫn cụ thể?

- Câu chuyện về nước tương chứa chất 3-MCPD là một ví dụ. Các nước phải điều tra sự tiêu thụ của người dân để đề ra mức nguy hiểm. Canada, Phần Lan, Áo, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Mỹ, Úc, Liên minh châu Âu, Anh... đều có những khuyến cáo về mức tiêu thụ rất cụ thể. Còn chúng ta chưa có điều tra xem người Việt Nam chấm bao nhiêu nước tương mỗi ngày mà cấm hoàn toàn nước tương sản xuất bằng cách dùng axit thủy phân đậu tương (thường rất ngon vì có lượng đạm amin cao) là chưa thỏa đáng. Nước chấm là thứ gia vị của bữa ăn, không ai uống nước chấm mà chỉ chấm chút ít, nên phải điều tra rất kỹ trước khi bắt thay đổi cả công nghệ sản xuất.

Cũng cần phải nói nước tương truyền thống ở các tỉnh phía Bắc cũng tiềm ẩn nhiều độc hại về độc tố nấm mà chưa thấy ai lên tiếng. Tương là quá trình lên men bằng xôi để mọc mốc và ngâm đậu tương đã rang xay, nhằm tạo men phân hủy chất bột trong gạo nếp và protein trong đậu tương.

Tôi đã trực tiếp đến vùng có nghề làm tương cổ truyền nức tiếng miền Bắc. Nhìn nong xôi mọc mốc xanh - đỏ - tím - vàng đủ loại mà hết hồn. Để mốc sinh nhanh, người ta làm hết mẻ này đến mẻ khác mà không thèm giặt nong. Trong khi đó, biện pháp giặt sạch nong, loại trừ nấm mốc gây hại rồi dùng gói bào tử nấm (rất rẻ tiền) an toàn và có hoạt tính cao để cấy vào thì không ai sử dụng.

Tôi kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học - công nghệ cần gấp rút cho kiểm tra rộng rãi các mẫu tương hiện nay xem có chứa độc tố aflatoxin hay không. Đây là loại độc tố nấm có thể gây ung thư do nấm Aspergillus flavus sinh ra. Nấm này rất khó phân biệt bằng mắt thường, kể cả dưới kính hiển vi. Nó nguy hiểm hơn nhiều lần so với chất 3-MCPD từng gây lo lắng cho người tiêu dùng.

* Trong quản lý an toàn thực phẩm hiện nay ở nước ta, vấn đề nào còn bị bỏ ngỏ?

- Đó là việc quản lý thực phẩm nhập khẩu. Tôi đã đi đến nhiều vùng cửa khẩu, nơi có cả đơn vị kiểm nghiệm thực vật và kiểm dịch động vật. Nhưng có tin được không khi người ta kiểm soát an toàn thực phẩm chỉ bằng một chiếc kính hiển vi. Để kiểm tra an toàn vi sinh vật, các độc tố, nếu giao cho một viện nghiên cứu cấp nhà nước có khi mất cả tuần mới xác định được. Đằng này bày chiếc kính hiển vi ra cho vui chứ làm sao “soi” được thực vật, động vật nhiễm vi sinh vật gì hay có thể sinh ra độc tố gì?

Quay lại câu chuyện 2,5 tấn chất kích nạc được phát hiện tại Đồng Nai và các thuốc trừ sâu nguy hiểm. Khối lượng này không nhỏ như món hàng xách tay, quản lý ở cửa khẩu thế nào mà để “lọt lưới”?

Nhiều nước đang phát triển cũng gặp khó khăn tương tự trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như nước ta. Họ cũng phải bận tâm về chất kích nạc. Nhưng người dân các nước phát triển hầu như được bảo đảm an toàn bằng cơ chế quản lý thực phẩm và dược phẩm chặt chẽ. Người vi phạm bị xử lý nghiêm, đủ để không dám và không thể tiếp tục vi phạm.

Khó kiểm soát an toàn thực phẩm bằng test nhanh
Các chất có thể gây độc hại trong thực phẩm gồm rất nhiều hợp chất hóa học khác nhau. Riêng các chất kích nạc thuộc nhóm ß-agonists đã bao gồm tới ba nhóm: Nhóm ß-agonists có tác dụng ngắn: thường dùng là salbutamol, terbutaline. Nhóm ß-agonists có tác dụng lâu dài: thường dùng là clenbuterol, formoterol, salmeterol. Nhóm ß-agonists kết hợp gồm có budesonide, fluticasone, inratropium...
 Việc kiểm tra, nhất là kiểm tra nhanh, các chất này không phải là chuyện đơn giản và dễ thực hiện. Với các chất phụ gia thực phẩm và nhất là thuốc trừ sâu hóa học cũng gồm rất nhiều hợp chất khác nhau. Việc phân tích đòi hỏi sử dụng các thiết bị sắc ký với các cán bộ có chuyên sâu về lĩnh vực này. Do đó, không dễ dàng gì để có thể kiểm soát một cách rộng rãi và nhanh chóng.
PGS.TS Trần Đáng (nguyên cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế):
Nên có cơ quan quản lý nhà nước duy nhất về thực phẩm
Việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại nước ta hiện nay rất không hợp lý, dù Luật an toàn vệ sinh thực phẩm đã được ban hành. Ở các nước, khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước duy nhất về thực phẩm sẽ phải vào cuộc. Ở Mỹ có Trung tâm an toàn thực phẩm và dinh dưỡng ứng dụng thuộc Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm, ở Nhật là Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế.
Trong khi đó, luật của Việt Nam rất rối, nào Bộ Công thương quản lý năm ngành hàng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý chín ngành hàng, còn Bộ Y tế lại quản lý vài mặt hàng rất phụ như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung đa vi chất...
Việc phát sinh chất tạo nạc trong chăn nuôi trách nhiệm chính thuộc Bộ NN&PTNT, nhưng để đánh giá nó nguy hại đến sức khỏe thế nào không thể giao cho bộ này được. Theo luật thì Bộ NN&PTNT sẽ chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm chăn nuôi, kể cả đến khi thịt được ăn vào người là không ổn.
Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương chỉ có thể chịu trách nhiệm về sản phẩm của ngành mình ở khâu sản xuất, chế biến, còn khi đã là thành phẩm để ăn được rồi thì trách nhiệm quản lý phải thuộc về Bộ Y tế.
Theo kinh nghiệm của các nước, cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm. Khi có vấn đề, Bộ Y tế có thể truy tìm căn nguyên, nếu sự cố nằm từ khâu chăn nuôi sẽ yêu cầu Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm, chấn chỉnh toàn bộ quy trình chăn nuôi.
Tuy nhiên, theo cơ chế này, một đòi hỏi bắt buộc là Bộ Y tế phải sẵn sàng lên tiếng, chứ không thể lặng lẽ làm ngơ vì nghĩ bất ổn nằm ở bộ khác, không thuộc trách nhiệm của mình.
NGỌC HÀ ghi


NGỌC HÀ
(Nguồn Tuoitre)