Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Tầm quan trọng của việc tham vấn tâm lý cho trẻ

Đời sống tâm lý trẻ con ngày càng phức tạp, trong khi nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa quan tâm hoặc nhận thức hết tầm quan trọng của việc tham vấn tâm lý cho trẻ.


“Tôi ghét bà!”. Chị Đ.Nghi (cán bộ ngân hàng) sững người khi nghe cô con gái 16 tuổi hét câu nói đó trước khi đóng sập cửa phòng. Học giỏi và lễ phép, con chị từng là niềm tự hào của gia đình. Chỉ vài tháng nay con chị bỗng dưng cộc tính, sức học tuột không phanh... Chị muốn đưa con tới phòng tham vấn tâm lý nhưng vì sợ người ngoài dị nghị nên tặc lưỡi cho qua. Chọn giải pháp đọc lén nhật ký của con và chị bị con phát hiện...

Sợ cho con đi khám

Làm sao để trẻ không sợ khi đi trị liệu tâm lý?
Theo bác sĩ Thái Thanh Thủy (trưởng khoa tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM) :
Nói thật cho trẻ biết những gì đang xảy ra với trẻ.
Dùng từ ngữ đơn giản dễ hiểu giải thích lý do trẻ cần đi trị liệu tâm lý.
Không làm nhẹ hay trầm trọng hóa vấn đề đối với trẻ.
Giải thích sự vắng mặt và thông báo khi nào quay lại.
Tạo môi trường quen thuộc và cảm giác an toàn cho trẻ, cho phép mang theo những vật dụng mà trẻ yêu quý như: búp bê, gấu bông, xe, gối...
Con trai của chị P.Trinh (Q.3, TP.HCM) thường xuyên đánh nhau và ăn cắp vặt trong lớp dù gia đình thuộc hàng khá giả. Trò chuyện với con không ăn thua, dắt con tới phòng tham vấn được vài lần nhưng mọi chuyện cũng không thay đổi, chị với chồng đều lắc đầu, tự nhủ: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính!”.


Cả hai bạn trẻ này đều cho biết không nhận được sự đồng cảm của gia đình, khoảng cách giữa họ theo đó ngày một xa dần. Khi được hỏi vì sao không tìm tới phòng tham vấn tâm lý ở trường, hai bạn trẻ này đều chung câu trả lời: “Ở trường, những ai bước ra bước vô phòng này đều bị mọi người “soi” rất kỹ”.

Hầu hết tham vấn viên tâm lý đều cho rằng hai câu chuyện trên là thực trạng phổ biến. Chuyên viên tâm lý Huỳnh Thị Hoàng Oanh (Nhà Thiếu nhi TP.HCM) cho biết: “Phụ huynh thường e dè khi tìm đến các địa điểm tham vấn tâm lý vì chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc này. Bên cạnh đó phụ huynh thường nôn nóng, luôn muốn vấn đề được dứt điểm sớm”.

Theo bà Oanh, một số phụ huynh còn nhìn vấn đề ngắn hạn, khi thấy triệu chứng ở trẻ giảm là lập tức dừng quá trình trị liệu tâm lý. Một số khác thường chỉ đưa trẻ tới phòng khám khi các triệu chứng tâm lý đã rơi vào giai đoạn trầm trọng.

Do không được sự hỗ trợ từ cha mẹ nên nhiều trẻ chỉ dám liên lạc, nhờ tham vấn thông qua đường dây nóng hoặc hộp email của trung tâm dù nơi này luôn mở cửa các ngày trong tuần và hoàn toàn miễn phí. “Khách tới gặp trực tiếp hầu hết đều là phụ huynh và thường đi một mình”, bà Oanh cho biết.

Tương tự, ThS tâm lý Trần Thị Hồng Nhi (khoa tâm lý Bệnh viện FV TP.HCM) cũng cho rằng nhiều phụ huynh thường bỏ cuộc nửa chừng: “Một phần họ thiếu kiên nhẫn, phần do họ chưa có cơ hội được giải thích một cách đầy đủ, thuyết phục từ những nhà chuyên môn”.

Trẻ sẽ phát triển hơn nếu được quan tâm

Trẻ em thời đại ngày nay có mức phát triển tâm sinh lý nhanh, phức tạp hơn nhiều so với các thế hệ trước, đó là khẳng định của giáo sư tâm lý Neal Newfield (ĐH West Virginia, Hoa Kỳ). Theo ông, hoạt động tham vấn tâm lý cần được đặc biệt chú trọng bởi đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sẽ học, phát triển toàn diện hơn nếu có sự hỗ trợ về việc phát triển tâm lý. Thông qua ba năm kinh nghiệm tham vấn ở cả trường học lẫn trung tâm tham vấn, bà Oanh lại cho rằng: “Gốc rễ vấn đề vẫn là ở phụ huynh. Nếu phụ huynh không dành thời gian lắng nghe, san sẻ cùng trẻ thì trẻ sẽ tự tìm hiểu hoặc hỏi những người bạn cũng non vốn sống giống mình. Và nếu phụ huynh viện lý do quá bận rộn mà không thể hỗ trợ việc tham vấn thì chúng tôi cũng đành bó tay”.

Làm việc trong lĩnh vực tâm lý trên 25 năm (trong đó có bảy năm tại Việt Nam), giáo sư Neal nhận thấy việc hiểu tâm lý trẻ không chỉ khó khăn cho các bậc phụ huynh (vốn đã bận rộn với việc mưu sinh) mà cũng là thử thách lớn cho chính những người làm công tác chuyên môn. Ông cho rằng công nghệ đang kéo giãn khoảng cách giữa hai bên và việc hiểu trẻ để tư vấn trẻ đúng đắn đòi hỏi một nỗ lực lớn, liên tục từ nhiều phía. “Chỉ tới khi người lớn quan tâm, đầu tư nhiều hơn mảng tham vấn tâm lý thì chúng tôi nghĩ những điều đáng tiếc với giới trẻ mới được cải thiện”, ông khẳng định.

Lộ trình tham vấn tâm lý
Thực chất không có một lộ trình tham vấn nhất định. Tuy nhiên dưới đây là một lộ trình tham khảo theo ThS tâm lý Trần Thị Hồng Nhi (Bệnh viện FV TP.HCM):
Buổi khám đầu tiên: Được dành để tiếp trẻ và người yêu cầu khám (thường là phụ huynh) để lý do tới khám được nói ra trước mặt trẻ. Chuyên viên tâm lý lắng nghe phụ huynh nói về các triệu chứng, hành vi gây lo lắng, quá trình phát triển của thanh thiếu niên, quan hệ trong gia đình... Sau đó sẽ giải thích quy trình làm việc cho phụ huynh và phụ huynh sẽ được mời ra ngoài để trẻ cho ý kiến về nguyên nhân tới khám, bày tỏ ý kiến riêng.
Khám tâm lý tổng hợp. Tùy thuộc nguyên nhân tới khám mà chuyên viên tâm lý có thể sử dụng một hoặc các công cụ làm việc khác nhau: phỏng vấn lâm sàng, trắc nghiệm trí tuệ, bảng hỏi, trắc nghiệm tình cảm, tranh vẽ, kể chuyện... Khám tâm lý có thể kéo dài từ 1-3 buổi/ 45 phút.
Báo cáo kết quả: Chuyên viên tâm lý sẽ trả báo cáo về kết quả khám tâm lý, các khuyến nghị cho nhà trường, gia đình.
Trị liệu tâm lý: Trong trường hợp có khó khăn thật sự (bệnh lý hay cường độ mạnh, kéo dài), trẻ sẽ được tiếp nhận tâm lý trị liệu (thông qua lời nói và các phương pháp trung gian khác mà không dùng thuốc). Tâm lý trị liệu có thể kéo dài từ hai buổi tới sáu tháng.


CÔNG NHẬT
(Nguồn Tuoitre.vn)

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Danh sách đề cử 15 món ngon Việt trong kỷ lục Châu Á

Phở, chả cá, bún chả Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, gỏi cuốn Sài Gòn... vượt qua hàng trăm món ăn khác của Việt Nam để được chọn vào danh sách đề cử 15 món ngon nhận kỷ lục châu Á.
Danh sách đề cử 15 món ngon Việt gồm có: Phở - bún chả - chả cá Lã Vọng - bún thang của Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, miến lươn Nghệ An, bún bò Huế, mì Quảng, phở khô Gia Lai, bánh canh Trảng Bàng, bánh khọt Vũng Tàu, gỏi cuốn và cơm tấm Sài Gòn, bánh cóng Sóc Trăng. Đây được xem là những món ăn chỉ ở Việt Nam mới có khi so sánh với các nước khu vực châu Á.

* Ảnh: Vẻ bắt mắt của món ngon Việt được đề cử kỷ lục châu Á

Phở hấp dẫn người ăn vì nước dùng (nước lèo) có hương vị rất ngon và bổ dưỡng do được phối hợp từ nhiều loại gia vị và nguyên liệu khác nhau kết hợp với bánh phở vừa mềm vừa dai ăn rất hấp dẫn. Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng cùng với thịt bò hay gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt... Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của từng người dùng.
Phở hấp dẫn người ăn vì nước dùng (nước lèo) có hương vị rất ngon và bổ dưỡng do được phối hợp từ nhiều loại gia vị, nguyên liệu khác nhau, kết hợp với bánh phở vừa mềm vừa dai ăn rất hấp dẫn.

Danh sách đợt một này sẽ được gửi đến Tổ chức Kỷ lục châu Á xét duyệt vào tháng 9 tới.

Đại diện Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings cho biết, các món trên được chọn ra sau khi tổ chức này khảo sát hàng trăm món ăn trên toàn quốc cũng như khảo sát bước đầu về các món ăn từ 57 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á.

Hầu như mỗi góc phố, góc chợ của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh đều có một hàng gỏi cuốn. Món gỏi cuốn tưởng chừng đơn giản nhưng làm ngất ngây nhiều người, đặc biệt du khách đến từ các tỉnh thành trong nước và cả du khách quốc tế.
Hầu như mỗi góc phố, góc chợ của Sài Gòn đều có một hàng gỏi cuốn. Món gỏi cuốn tưởng chừng đơn giản nhưng làm ngất ngây nhiều người, đặc biệt du khách đến từ các tỉnh thành trong nước và cả du khách quốc tế.

Trong 57 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á, Việt Nam được xem là một trong những nước có văn hóa ẩm thực độc đáo và đa dạng. Sự độc đáo ấy có được từ những món ăn truyền thống kết hợp với những bí quyết và công nghệ chế biến chúng, đến các sản vật và chế phẩm đi kèm, và kể cả triết lý “âm dương” trong việc kết hợp các nguyên liệu, gia vị của món ăn sao cho hài hòa, đảm bảo dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.

Chả cá Lã Vọng Hà Nội.

Philip Kotler, cha đẻ của marketing hiện đại, đã gợi ý về việc tại sao Việt Nam lại không phấn đấu để có được thương hiệu là "bếp ăn" của thế giới; trong khi Trung Quốc đã trở thành "công xưởng" của thế giới, Ấn Độ thành "văn phòng" của thế giới.

Ẩm thực được xem là thế mạnh, một trong những yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch đến với Việt Nam. Chính vì thế, từ đầu năm nay, Vietkings triển khai Hành trình quảng bá ẩm thực và đặc sản Việt, thông qua việc tìm kiếm kỷ lục ẩm thực và đề cử đến Tổ chức kỷ lục Asean, Tổ chức kỷ lục châu Á và Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness, góp phần giúp ẩm thực Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn nữa.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam sẽ tiếp tục khảo sát và đề cử nhiều món ăn nổi tiếng, độc đáo của Việt Nam để gửi đến Tổ chức kỷ lục châu Á trong thời gian tới.
Thất SơnẢnh: Vietkings

Chết vì thức đêm xem Euro

Sau 11 đêm liên tục theo dõi các trận đấu qua truyền hình, một thanh niên 26 tuổi ở Trung Quốc kiệt sức và ra đi mãi mãi.                                
Một nhóm CĐV Trung Quốc theo dõi Euro tại quán bar. Ảnh: Xinhua.
Một nhóm CĐV Trung Quốc theo dõi Euro tại quán bar. Ảnh: Xinhua.
Trận đấu cuối cùng Jiang Xiaoshan theo dõi là trận thua 0-2 của Ireland trước Italy tại vòng bảng hôm 18/6. Fan cuồng nhiệt này trở về nhà lúc 17h và kêu mệt nên đi ngủ. Khi mẹ của Jiang lay con dậy để ăn tối, bà hoảng hốt nhận thấy con mình không còn thở nữa.
Bạn bè của Jiang Xiaoshan cho biết, suốt 11 đêm liên tục, chàng trai này thức khuya xem bóng đá cùng bạn bè, không ngủ lấy sức mà sáng hôm sau đi làm như bình thường. "Thỉnh thoảng chúng tôi cũng nghỉ ngơi nhưng cậu ấy không bỏ sót một trận đấu nào", một người bạn của CĐV xấu số đau buồn chia sẻ.
Bác sĩ bệnh viện nơi Jiang được đưa đến cấp cứu cho biết: "Jiang là một người khỏe mạnh nhưng việc thức suốt đêm không ngủ đã làm suy yếu hệ miễn dịch của cậu ấy. Thêm vào đó, cậu ấy còn uống bia và hút thuốc trong khi xem bóng đá nữa nên tình hình càng tồi tệ. Nếu bạn uống bia thay nước thì không tốt tý nào.
Hoàng Trang

Những thay đổi trong cuộc sống của bé 9 tuổi sau 'bữa ăn trưa nổi tiếng'

Sân trước nhà Martha Payne chật cứng người lạ. Điện thoại rung chuông liên hồi. Và cô bé 9 tuổi luôn phải chạy thật nhanh qua cổng trường để tránh bị cánh báo chí bắt gặp.

Martha Payne bên bài viết về bữa ăn thiếu dinh dưỡng của cô bé ở trường trên blog NeverSeconds. Ảnh: Telegraph

Xét theo nhiều hướng, Martha chỉ là một cô bé 9 tuổi bình thường, sống cùng gia đình tại thị trấn Lochgilphead, bờ biển phía tây Scotland. Bé thích tiếng Anh và các môn khoa học, đam mê ẩm thực, hứng thú với các hoạt động thể thao và luôn mơ ước sẽ trở thành một nhà báo khi lớn lên.

Tuy nhiên, hiện Martha Payne được biết đến một cách rộng rãi với cái tên "Veg", tác giả của blog NeverSeconds, nơi cô bé đăng tải những bức ảnh và lời miêu tả về bữa trưa của em và các bạn ở Trường tiểu học Lochgilphead. 7 tuần trước, bức ảnh đầu tiên của Martha về bữa tối ở trường, với hai miếng khoai tây và một mẩu pizza nhỏ, đã thu hút hơn 25.000 lượt truy cập trong đêm hôm đó. Con số này tiếp tục tăng lên và Martha thậm chí đã nhận được tin nhắn động viên từ đầu bếp nổi tiếng Jamie Oliver và Raymond Blanc, cũng như hàng chục nghìn học sinh khác trên toàn thế giới.

Trong khu vườn ở phía sau nhà, Martha dường như đang cố gắng tránh mặt cánh truyền thông. Cô bé chỉ muốn có một cuộc sống bình thường, làm những việc mà bọn trẻ 9 tuổi vẫn thường làm.

"Thật khó chịu vì mọi người cứ muốn nói chuyện với cháu", cô bé nói trong khi tưới cho những khóm hoa trong khu vườn. "Cháu bị kéo tới trường từ rõ sớm, điều mà cháu chẳng thích chút nào. Họ đặt cả máy quay ở trường, và cháu phải cúi xuống và chạy thật nhanh để tránh nó."

Cha của Martha, Dave, một người làm vườn, nhắc nhở các phóng viên rằng con gái ông có thể sẽ gắt gỏng một chút. "Nếu con bé đi khỏi nhà, mọi sự chú ý cũng đi theo", ông giải thích. "Cũng có chút khó khăn. Vài ngày nay điện thoại nhà tôi cứ reo từ 4 giờ 30 sáng tới tận 1 giờ 30 sáng hôm sau. Chúng tôi thường nhận được 1.000 email trong một giờ, và số lượng ngày càng tăng lên. Cả gia đình đang cố gắng làm mọi thứ để bảo vệ Martha khỏi những điều này."

Mặc dù sống tại một thị trấn nhỏ ở Scotland, nhưng điều đó vẫn không ngăn Martha khỏi bị ngập trong những bức thư mời hợp tác ngay khi cô bé bắt đầu nổi tiếng. Một vài nhà sản xuất ở Hollywood đã hứa hẹn về những bộ phim và các cuốn sách. Chương trình truyền hình The One Show của đài BBC cũng đã gọi tới.

Nhưng Martha không có hứng thú với Hollywood. "Cháu làm blog này vì cháu thích viết", cô bé giải thích. "Bố mẹ từng đưa cháu tới một đám cưới và cô dâu là một nhà báo. Cháu muốn được giống cô ấy. Bố và cháu có tìm hiểu một số blog và cháu nghĩ tới việc viết về những bữa ăn ở trường, vì chưa có ai từng viết về chúng và không ai thực sự thích chúng." Cô bé nhăn mũi. "Khi cháu bắt đầu blog, thực đơn ở trường có rất ít món và không hề ngon."

Vậy là Martha bắt đầu viết blog từ ngày 30/4, bằng cách sử dụng máy vi tính và địa chỉ email của bố. "Cháu còn đưa ra thang điểm về sự lành mạnh, số lượng và cả số tóc có trên những món ăn", cô bé nói. "May là cháu chỉ tìm thấy một hoặc hai sợi thôi."

"Lúc đầu cháu nghĩ chỉ có các bạn và gia đình cháu đọc nó, nhưng rồi nhận ra các thành viên trong blog đến từ mọi nơi trên thế giới. Điều đó thật tuyệt."

Nhưng ở trường, Martha lại không có được sự ủng hộ tương tự. "Một ngày đến trường, nhiều bạn bảo cháu rằng hãy bỏ NeverSeconds đi và xử tệ với cháu", Martha nói với một cái nhún vai. "Cháu không quan tâm nhiều tới điều đó bởi cháu thực sự thích viết."

Cha của Martha thừa nhận rằng bản thân ông, giống rất nhiều người đã truy cập blog, rất bất ngờ trước những món ăn được phục vụ cho bọn trẻ. "Tôi từng thích việc cho bọn trẻ ăn cơm ở trường vì chúng được ở cùng bạn bè", ông giải thích.

"Bọn trẻ có thể ngồi bên nhau và cùng dùng bữa, chúng sẽ được học về cách tự chăm sóc cho bản thân. Nhưng Martha không hề tỏ ra vui vẻ, con bé luôn về nhà trong tình trạng đói ngấu, và tôi thì chỉ đơn giản nghĩ rằng đó là vì con bé đang ở tuổi lớn".

Tháng trước, Martha được mời nấu ăn cùng Nick Nairn, một đầu bếp nổi tiếng. Theo lời cô bé thì Nairn là một người "rất tuyệt". Hôm sau, một tờ báo lá cải đăng bức ảnh hai người với tiêu đề "Đã tới lúc sa thải các đầu bếp trường học". Chính bài viết đó đã khiến Martha bị cấm chụp ảnh các bữa ăn ở trường, bởi lo ngại blog của cô bé sẽ khiến các đầu bếp bị đuổi việc.

"Thật không vui khi cháu phải dừng lại nửa chừng", Martha nói. "Điều đó rất bất ngờ. Cháu đang trong giờ toán và được gọi vào phòng giáo viên. Khi cháu về nhà và kể chuyện đó với bố, bố bảo rằng nhà trường không nên làm thế bởi bài viết trên tờ báo kia đâu phải lỗi của cháu".

Trước quyết định đó của nhà trường, Martha đã đăng một bài viết có nội dung "Tạm biệt" lên blog của mình, và thông tin đó khiến những người ủng hộ cô bé rất phẫn nộ. Đầu bếp nổi tiếng Jamie Oliver thậm chí còn gửi một thông điệp tới Martha, rằng "hãy mạnh mẽ lên". Chỉ trong vài giờ, những người đưa ra lệnh cấm đã phải xin lỗi gia đình Payne và hủy bỏ điều lệ mà họ mới đặt ra.

Martha tiếp tục viết blog và hy vọng sẽ quyên góp được một khoản tiền cho Mary's Meal, tổ chức cô bé được biết thông qua ông bà ngoại của mình, những người đang làm tình nguyện tại đó. Được thành lập ở Argyll năm 2002, Mary's Meal đã cung cấp lương thực cho 650.000 trẻ em mỗi ngày trên 16 quốc gia. Martha liên kết cùng tổ chức này với hy vọng những người thường xuyên truy cập blog của cô bé có thể tham gia ủng hộ.

Mọi chuyện đã vượt qua mong đợi của Martha, khi cô bé đã thu hút được hơn 100.000 bảng Anh ủng hộ cho Mary's Meal, lớn hơn nhiều so với số tiền 7.000 bảng mà em mong đợi. Tuần trước, Martha còn nhận được một tin vui khi biết được một căn bếp mang tên "Bạn bè của NeverSeconds" sẽ được xây dựng ở Trường Tiểu học Lirangwe, Malawi, bằng chính số tiền mà em đã quyên góp được.

Song song với việc quyên góp tiền từ thiện, Martha cho biết blog của cô bé cũng giúp cải thiện thực đơn ở trường. "Chúng ngon hơn và nhiều hơn", cô bé vui mừng thông báo. "Bây giờ chúng cháu được ăn những miếng trái cây rất ngon sau khi xong bữa chính, và nhận được phần thịt và salad bao nhiêu tùy ý".

Ông Payne đồng ý rằng cần phải "làm rõ" chính sách về các bữa ăn cho các học sinh ở trường. "Chúng tôi chưa bao giờ muốn làm ảnh hưởng tới các đầu bếp trường học, những người đang làm một công việc tuyệt vời. Và khi nhìn thấy các món ăn, tôi thấy chúng đã hoàn toàn thay đổi".

Trong khi đó Martha cho biết vẫn muốn tiếp tục viết trên trang blog của mình "có thể sẽ là về những thứ khác". Tuy nhiên cha của bé cho rằng nhiều khả năng cô bé sẽ dừng viết blog. "Chúng tôi chỉ muốn có một cuộc sống bình thường. Martha là một cô bé rất độc lập và luôn làm những gì nó thích, nhưng giờ con bé cần được nghỉ ngơi", ông cho biết thêm.

Quỳnh Hoa (Theo Telegraph)

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Thế giới phẫn nộ vì bữa ăn trưa kém chất lượng

Một học sinh 9 tuổi chụp ảnh bữa ăn trưa kém chất lượng ở trường học và đưa lên mạng, châm ngòi một cuộc chiến lan khắp cộng đồng mạng quốc tế và trong đó phần thắng thuộc về các em nhỏ.
Martha Payne bên cạnh trang blog Neverseconds của mình. Ảnh: salon.com

Martha Payne, sống ở thị trấn Lochgilphead, bờ biển phía tây Scotland, lập blog cá nhân mang tên Neverseconds cách đây khoảng 6 tuần. Trong ngày đầu tiên, blog của Martha bày tỏ sự bức xúc về những bữa ăn kém chất lượng ở trường học. Em đăng bức ảnh chụp khay thức ăn gồm một chiếc bánh pizza nhỏ, một chiếc bánh ngọt, một ít ngô ngọt và một miếng khoai tây.

"Em là một đứa trẻ đang tuổi lớn. Em cần tập trung tâm trí cho buổi học chiều và em không thể làm được điều đó chỉ với một miếng khoai tây", cô bé viết. "Ai trong số mọi người có thể làm được không?".

Martha không phải là người duy nhất phải bất bình với chất lượng của những bữa ăn ở trường, vốn bị chỉ trích vì quá nhiều chất béo, mặn và chủ yếu là thức ăn đã chế biến sẵn. Hai đầu bếp nổi tiếng Jamie Oliver và Nick Nairn của Anh và Scotland, cũng đồng tình với quan điểm này.

"Tôi đã cố gắng để tác động với các quan chức cấp trên, và bản thân họ cũng bày tỏ sự đồng ý nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đó", ông Nairn nói.

Trên blog của mình, Martha đánh giá những bữa ăn dựa trên 5 tiêu chí: lượng thức ăn, số món, chất dinh dưỡng, giá cả và cả số sợi tóc lẫn trong những món ăn. Đôi khi, Martha cũng tỏ ra phấn khích khi chia sẻ rằng thức ăn khá ngon. Tuy nhiên, những bức ảnh chụp món thịt băm lẫn pho mát, mì ống với thịt bò và những món ăn trông kém hấp dẫn khác đã thu hút sự quan tâm hơn cả của các học sinh và các bậc phu huynh trên khắp thế giới.

"Bọn trẻ sẽ trở thành những bệnh nhân tiểu đường type 2 khi chúng tốt nghiệp, bởi chúng phải ăn tất cả những thứ này", một người bình luận.

Ông David Payne, bố Martha, cho biết những bài viết của cô con gái cũng khiến ông bị sốc. Ông cứ đinh ninh rằng thực đơn ở trường đáp ứng theo chỉ dẫn của chính phủ thì ắt hẳn sẽ đảm bảo chất lượng.

Chuyện ăn uống ở Scotland từ lâu đã là vấn đề đáng báo động. Hơn một phần tư số người lớn ở Scotland bị mắc bệnh béo phì, theo các số liệu được công bố vào năm ngoái. Tuy nhiên, một số nhà quan sát của Mỹ cho rằng những bữa trưa ở trường học Scotland vẫn còn tốt hơn ở một số trường của Mỹ.

"Ở một mức độ nào đó, bọn trẻ biết rằng nhiều thứ chúng ăn ở trường là không tốt", NYT dẫn lời Sarah Wu, 34 tuổi, một nhà tâm lý học từng dành một năm để tìm hiểu về các bữa ăn ở trường học, nói. "Nếu không có sự lựa chọn, bọn trẻ sẽ ăn những thứ đó".

Một trong những bữa trưa ở trường của Martha. Ảnh: Neverseconds

Đến cuối tuần trước, gần 4 triệu lượt người đã truy cập vào blog mang tên Neverseconds của Martha. Một phong trào sức khỏe toàn cầu được phát động và các quan chức địa phương tỏ ý không hài lòng với điều này.

Ông Roddy McCuish, lãnh đạo hội đồng địa phương, chịu trách nhiệm quản lý trường của Martha, cho rằng những hình ảnh và bài viết trên blog gây hiểu nhầm cho công chúng và khiến các nhân viên ở căng tin trường bị cáo buộc lạm dụng trẻ em. Khi một tờ báo lá cải Scotland kêu gọi sa thải các nhân viên nhà bếp, chính quyền đã quyết định cấm Martha mang máy ảnh đến trường và chụp lại những bữa trưa của cô bé.

Dù vậy, chỉ trong vòng 24 giờ sau khi Martha thông báo trên blog về lệnh cấm, Neverseconds tiếp tục nhận được hơn một triệu lượt xem. Sự phẫn nộ của cộng đồng mạng nhận được đồng tình từ phía đầu bếp nổi tiếng Oliver và một số nhóm tự do ngôn luận. Hôm 15/6 vừa qua, hội đồng địa phương đã buộc phải gỡ bỏ lệnh cấm chụp ảnh với Martha.

Sự nổi tiếng bất ngờ của Martha cũng tạo ra một làn sóng quyên góp đổ về Mary's Meals, một quỹ từ thiện cung cấp bữa ăn cho trẻ em tại 16 nước trên thế giới. Số tiền 77.000 USD mà Martha quyên được sẽ dành để xây dựng một căng tin trường học ở Malawi, nơi trẻ em sẽ được phục vụ món cháo và một loại thức ăn địa phương, phát ngôn viên quỹ cho biết.

Anh Ngọc

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Cô gái mù Christine Hà và món cá kho tộ

Cuộc thi “Vua đầu bếp” là một trong những chương trình truyền hình thực tế có lượng người xem đông nhất ở Mỹ. Đây là một cuộc so tài đầy căng thẳng và áp lực như tuyên bố của đầu bếp trứ danh, nhà sản xuất và dẫn chương trình Gordon Ramsay từng nói: “Nếu bạn được trao chiếc tạp dề trắng (tức được phép tham gia cuộc thi và đi tiếp vào vòng trong), có nghĩa là bạn đã đặt mình vào những tình huống cực kỳ khó khăn mà bạn chưa thể hình dung được”.

Lịch sử cuộc thi này chưa bao giờ ghi nhận có một thí sinh khiếm thị tham dự. Nhưng điều chưa từng có và không thể ấy lần này đã xảy ra... khi cô gái gốc Việt ấy xuất hiện.

Nấu ăn chính là sáng tạo

Christine Hà, 33 tuổi, có gương mặt sáng kiểu Á Đông, mái tóc đen ngang vai và nụ cười rạng rỡ. Cô kể cô đã bắt đầu nấu ăn từ khi học đại học, vì “nếu không nấu sẽ chết đói”. Mẹ cô qua đời khi cô 14 tuổi, trước khi cô “biết mình thích nấu ăn” và bà cũng không kịp truyền cho đứa con duy nhất của mình bí quyết nấu bất kỳ món gì. Nhưng mẹ cô lại chính là cảm hứng cho cô mỗi khi cô nhớ lại các hương vị mà mẹ mình đã nấu.

“Tôi chợt phát hiện nấu ăn thật tuyệt vời. Đó là sự kết hợp giữa khoa học chính xác và tính nghệ sĩ, đầy sáng tạo, không có giới hạn” - cô nói.

Christine Hà tốt nghiệp đại học tài chính và quản lý hệ thống thông tin tại Đại học Texas, Austin. Cô hiện đang chuẩn bị hoàn thành thạc sĩ môn sáng tác văn chương. Cô cũng là chủ nhân của trang web “theblindcook.com”.

Phải ăn cá có xương mới đúng điệu!

Cũng như mọi thí sinh khác, Christine Hà có một giờ để chuẩn bị món ăn bên ngoài trước khi bước vào trong phòng thi, và cũng chỉ có năm phút để bày món ăn và giới thiệu với giám khảo.

Trước khi cô xuất hiện trên màn hình, các giám khảo cũng đã thưởng thức đủ mọi hương vị, từ món há cảo của Trung Quốc, món gà truyền thống của Zimbabwe đến món sườn nướng, bánh các loại. Họ cũng đưa ra đủ mọi lời bình phẩm, khen có, chê có, thậm chí “ác” đến mức lên tiếng “chúc mừng” một thí sinh và để

thí sinh đó hét lên sung sướng trước khi “hạ thủ” “vì đã làm ra món ăn tồi tệ nhất trong lịch sử cuộc thi”. Thế nhưng, việc “sỉ nhục” thí sinh có lẽ là một trong những “đặc sản” rất... Mỹ vốn làm nên thương hiệu của cuộc thi này.

Ở vòng sơ tuyển, Christine đã giới thiệu món cá kho tộ, một ít rau ăn kèm và cơm trắng. Đây là món ăn quen thuộc và rất được ưa thích của người Việt Nam với hương vị thơm, dẻo của gạo quyện với cá om với nước mắm và nước dừa. Đó là chưa kể màu sắc món ăn cũng rất dân dã và đẹp mắt khi bày lên đĩa (màu trắng của cơm, màu nâu ngọt của cá, màu xanh của rau và màu đỏ của ớt).

Christine bước vào phòng thi với sự hỗ trợ của chồng và chiếc gậy dành cho người khiếm thị. Ba giám khảo, ba đầu bếp sắt đá, đã không giấu được sự ngạc nhiên và hồi hộp không biết cô sẽ cho họ nếm món ăn gì. Với họ, không hề có bất kỳ sự chiếu cố nào cho cô, chỉ có một đòi hỏi món ăn phải vừa sáng tạo, vừa chứa đầy tình yêu trong đó.

Cô giới thiệu: “Tôi kho cá trong nồi đất vì nó giúp om cá ngon hơn, tạo được lớp keo đặc sệt, hương vị ngon hơn”. Khi được hỏi vì sao nấu cá để nguyên xương, cô nói: “Vì cá trê rất mềm và không muốn miếng cá vỡ ra nên phải để xương nguyên, nhìn cho đẹp mắt và đó cũng là cách ăn của người Việt Nam”. Rất tiếc vì cơm không dẻo (do cô dùng nồi cơm điện của ban tổ chức cung cấp) nên cô đành chỉ phục vụ món cá kho.

Ngoài chi tiết này, món cá kho tộ cuối cùng đã được đánh giá là “thành quả tuyệt vời”, và cả ba giám khảo đều đồng ý trao cho cô chiếc tạp dề trắng. Ramsay nói: “Đây là món ăn tuyệt vời nhất mà tôi được nếm trong cuộc thi”. Joeseph Bastianich nhận xét: “Cô có một lợi thế lớn là khi nói về món ăn, cô không chỉ diễn tả bằng lời mà biểu cảm bằng cả khuôn mặt. Ánh mắt đầy vẻ hạnh phúc, tự hào, đam mê”.

Được hỏi bí quyết nào đã giúp cô được chọn đi tiếp vào cuộc thi, Christine Hà nói: “Trong cuộc thi, tôi học cách không nên lo lắng về những món ăn người khác đang trổ tài nấu nướng mà chỉ tập trung vào món của mình. Người khác nấu gì không quan trọng... Tôi nỗ lực hết sức, rút kinh nghiệm từ sai lầm, lắng nghe nhận xét của giám khảo, lắng nghe cảm nhận của mình và nấu món mà tôi thích ăn. Nhưng trên hết, phải nấu ăn từ chính trái tim mình, nấu món mà mình sẽ tự hào để phục vụ bạn bè, và tạo ra món ăn bằng tình yêu, niềm đam mê và nhiệt tình”.

Cuộc thi sẽ trao cho người thắng cuộc 250.000 USD, được xuất bản một cuốn sách nấu ăn của riêng mình và chiếc cúp Vua đầu bếp. Christine Hà lọt được vào vòng thứ 18 sau khi thể hiện món thịt bò xào kiểu Thái và món bánh táo. Ngày 18 và 19-6 sẽ phát những tập tiếp theo trên kênh Fox, với 16 thí sinh vào vòng tiếp theo. Ở tập này, Christine Hà sẽ cùng với các thí sinh khác đến doanh trại quân đội ở Pendleton, California và làm việc theo nhóm để chuẩn bị bữa ăn cho 200 binh lính.

Gordon Ramsay “trốn tới Việt Nam”
Đầu bếp Gordon Ramsey và Christine Hà tại cuộc thi - Ảnh: Daily Mail chụp từ clip cuộc thi

Gordon Ramsay - nhà sản xuất và dẫn chương trình của Vua đầu bếp - từng thực hiện một chương trình về ẩm thực Việt Nam trong khuôn khổ chương trình “Trốn đến Đông Nam Á” của ông.
Trong chương trình “Trốn đến Việt Nam”, ông đã đi khắp ba miền đất nước, trải qua từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, để cuối cùng nhận ra ở đất nước này bạn “không cần có nhiều tiền, bạn cũng có thể ăn những món ngon tuyệt, lại tươi nữa”. Gordon đã tự mình phóng xe máy ở Mai Châu (Hòa Bình) để ăn món bánh cuốn sau mùa gặt cùng người làng, được một bà chủ tiệm các món vịt ở Hà Nội khen “đẹp trai thế!”, và ông cũng tự đặt tên cho bà là “madam Duck” (bà Vịt) vì sợ phát âm tên “Khoa” của bà thành “Quác”. Ông cũng thử rao “hủ tiếu, bún riêu” trên sông ở đồng bằng sông Cửu Long, từng chứng kiến cảnh cắt tiết rắn ở TP.HCM và “xây xẩm mặt mày” vì món rượu huyết rắn.
25 năm nấu ăn, đầy kinh nghiệm, Gordon lăn xả vào nấu nấu nướng nướng, tự tay bưng bê phục vụ khách hàng Việt Nam, nhưng thi thoảng ông vẫn bị chê là “nấu không giống lắm!” (Xem www.youtube.com/watch?v=Zz4U7dU1TQM).


KHỔNG LOAN
(Nguồn tuoitre.vn)

Thơm ngon heo rừng nướng sỏi

Khách sành điệu mỗi lần về miền Tây thường tìm đến các quán ăn để tận hưởng những đặc sản hương đồng cỏ nội như chuột đồng quay lu, rắn hầm sả, ếch nướng muối ớt…; gần đây có thêm thịt heo nướng sỏi.
Gọi là heo rừng, nhưng chủ yếu được nuôi tại chỗ như heo nhà, chế biến thành nhiều món ngon như đút lò, nướng ống tre, nướng chao, hầm măng, hầm sả, xào lăn... Đặc biệt ấn tượng là heo rừng nướng sỏi.

Sỏi chuẩn bị nướng heo. Ảnh: Thiên Lộc.

Để làm món này, bàn ăn đặt một cái đĩa to được trang trí bằng nhiều loại rau củ quả, giữa đĩa có 3 hòn sỏi được nung nóng hừng hực như một lò lửa. Thịt heo rừng được cho vào dĩa, phủ kín các hòn sỏi. Sức nóng từ 3 hòn sỏi làm cho thịt săn lại, phát ra tiếng xèo xèo thật vui tai. Tiếp theo là khói cuộn lên nghi ngút, toát ra một mùi thơm ngạt ngào để thực khách bắt đầu thưởng thức.

Muốn làm món này, trước hết phải chọn thịt đùi heo rừng gồm nạc, da, đem xắt lát cho thật đều, xong ướp chung với tiêu, hành, tỏi, ớt, ngò, bột ngọt… cho thấm đều độ 15 phút. Sau đó đem thịt xào cho chín đều, nhắc xuống trước khi cho vào đĩa có sẵn mấy hòn sỏi vừa đun nóng.

Thịt heo nướng bằng sỏi. Ảnh: Thiên Lộc.
Thịt heo nướng bằng sỏi. Ảnh: Thiên Lộc.

Sau khi đổ toàn bộ thịt vào đĩa, thịt tiếp xúc với hơi nóng của sỏi tự nhiên sẽ trở nên mềm mại, thơm ngon, hương vị đậm đà, quyến rũ, vừa dai vừa mềm, ít có món nướng nào sánh kịp.

Món này đặc biệt dùng nhiều ớt xanh, vừa nồng vừa cay, giúp cho miếng thịt tăng thêm vị ngọt, thơm mùi phưng phức không lẫn lộn vào đâu được.

Thiên Lộc