Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Phòng bệnh 'amip ăn não người'

Ngày 31/8, Bộ Y tế chính thức xác nhận trường hợp đầu tiên tại Việt Nam bị viêm não do Naegleria fowleri. Bệnh nhân tử vong vào ngày thứ 3 sau khi phát bệnh.

Trước đó, ngày 30/7, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM tiếp nhận một bệnh nhân nam, 25 tuổi, nhập viện ngày thứ 2 của bệnh với chẩn đoán lâm sàng viêm não, màng não. Kết quả xét nghiệm dương tính đơn bào Naegleria fowleri, bệnh nhân tử vong ngày thứ 3.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não-màng não do đơn bào Naegleria fowleri là một bệnh rất hiếm gặp, nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao. Trong vòng 49 năm (từ 1962 đến 2011), tại Mỹ cũng chỉ ghi nhận 123 ca mắc, trung bình 0-8 ca mắc mỗi năm.

Đơn bào Naegleria fowleri sống tự dưỡng trong môi trường nước ngọt (hồ, sông, công trình chứa nước nhân tạo...) tại khu vực khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Nó có thể xâm nhập vào cơ thể người qua niêm mạc mũi và gây bệnh.

Vì thế, để phòng bệnh ngành y tế khuyến cáo người dân không nên tắm, bơi ở những nơi có nguy cơ cao. Hạn chế tối đa nước vào mũi bằng cách giữ cao đầu không để ngập nước, sử dụng kẹp mũi. Sau khi tắm, bơi nên vệ sinh mũi sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng để xịt, rửa mũi. Khi phát hiện đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn cần đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nam Phương

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Để trí tuệ Việt ngoi lên từ nửa dưới đáy thế giới?

Chia sẻ quan điểm về vấn đề xếp hạng trí tuệ Việt Nam đang ngày càng "ngụp lặn" ở nửa dưới của thế giới trong bài viết của GS.TSKH Trần Xuân Hoài, nhiều độc giả tỏ ra bi quan về khả năng sáng tạo, tư duy và hệ thống quản lý của người Việt Nam.

Độc giả Hoàng Lương và Tống Văn Việt cho rằng đây là vấn đề "biết rồi khổ lắm nói mãi!". Độc giả Việt nhận xét "cả xã hội Việt Nam hiện nay đang lao dốc không phanh về mọi mặt...", mà trong đó giáo dục là xương sống của xã hội, nhưng với thực trạng nền giáo dục như hiện nay thì việc trí tuệ Việt Nam xếp hạng tụt dốc cũng là điều có thể đoán được.

Một độc giả thừa nhận thực tế: "Giáo dục chúng ta khuyến khích việc làm theo hơn là sáng tạo, trong khi đó môi trường làm việc thì nhiều bất cập như không muốn công nhận thành quả chất xám của người khác, vì như vậy là thừa nhận người ta giỏi hơn mình. Cơ chế đãi ngộ trong các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu không đảm bảo được cuộc sống cho người nghiên cứu thì chắc chắn chúng ta sẽ còn tụt hạng nhiều hơn nữa".

Nguyên nhân ở con người?

Độc giả Nguyễn Trung Dũng đặt câu hỏi: "Tại sao trí tuệ VN ngày càng thụt lùi mặc dù ngày càng có nhiều du học sinh VN sang các nước tiên tiến nhất thế giới tu nghiệp? Các trường chuyên lớp chọn mọc như nấm ở thành thị, các trường đại học và sau đại học quốc tế liên kết với VN cũng được thành lập rất nhiều để đào tạo nguồn nhân lực cho VN?"

Độc giả Nguyễn NT cho rằng nguyên nhân của vấn đề này là do "dân ta phụ thuộc vào nhà nước, nhà nước yếu kém nên tư duy sáng tạo cạn dần và vô hình chung những người lãnh đạo đi sau chỉ theo cái lối mòn tư duy cũ mà làm. Vô số các ông chủ tịch xã, huyện mới chỉ mon men học hết lớp 9, kiếm cái bằng bổ túc cho hợp chuẩn. Tiền bạc, con ông cháu cha làm lũng bại xã hội, làm hư bao nhiêu tầng lớp con người!".

Với quan điểm "không thể thay đổi được tư duy", độc giả Nguyễn Trung Thành chỉ ra một thực tế "người Việt Nam ta đi đâu cũng dương dương tự đắc là thông minh. Trong khi cái thông minh đó chỉ là khôn vặt. Thông minh để nghĩ cách vơ vét của cải thật nhiều vào nhà mình, ai vơ được nhiều, thì được gọi là giỏi. Đến khi không còn gì để vơ vét nữa thì lại đổ cho đất nước kém phát triển. Mỗi người hãy tự nhìn lại bản thân mình trước đi. Thật đáng xấu hổ cho cái tư duy không giống ai của dân ta".

Cũng đồng tình với quan điểm đó, một độc giả khác cho rằng người Việt Nam luôn có xu hướng bảo thủ, ít chịu lắng nghe, tiếp nhận và đổi mới. "Không tin các bạn thử ngẫm nghĩ xem, từ cơ quan, công ty, doanh ngiệp... các bạn đang làm một năm có bao nhiêu cái mới được tiếp nhận và thực hiện?". Độc giả này kêu gọi những người trẻ hãy thay đổi và đừng trông chờ vào sự thay đổi của những thế hệ trước.

Nói về nguyên nhân, độc giả Nhất Linh chia sẻ: "Chúng ta không thiếu nhân tài nhưng thực sự trong một cơ chế và tổ chức như hiện tại thì đúng là "sáng tạo" là hai chữ quá xa xỉ".

Có một cách nhìn khác, độc giả Hồng Hạnh phê phán: "Việt Nam có bệnh thành tích và tâng bốc con người lên quá mức. Đơn cử như các đợt đi thi quốc tế của Việt Nam. Hàn Quốc năm nay dẫn đầu về Toán học với 6 huy chương vàng nhưng họ không làm rầm rộ như Việt Nam... Người Việt Nam cứ nói mình giỏi Toán, thông minh. Thử xem Thái Lan họ đâu có khen họ thông minh, giỏi Toán mà cũng xếp hạng Toán học hơn Việt Nam (năm 2011). Có thời các kỹ sư công nghệ thông tin coi mình là thiên tài đáng tự hào... vì vậy mà người Việt Nam chẳng có được cái phát minh nào ra hồn".
Nhiều độc giả đưa ý kiến giáo dục là nguyên nhân chính dẫn tới việc khả năng sáng tạo, tư duy đổi mới của người Việt Nam thụt lùi. "Gánh nặng học hành và các loại chi phí vô lý đang bóc lột kinh tế của từng gia đình và tổn hại tới não bộ của học sinh, sinh viên . Thử hỏi học sinh không bị điên về học đã là điều may mắn, chứ chưa nói đến chất lượng giáo dục, chất lượng con người" - một ý kiến khẳng định.

Độc giả Anh Tuấn nhận xét hiện nay việc dùng người của nước ta còn quá kém, khiến chảy máu chất xám. "Khi đi làm thì nạn chạy chức chạy quyền chở thành phổ biến ở khắp mọi nơi, khiến thui trột và kìm hãm tư duy sáng tạo của người lao động. Đi học thì nạn thành tích, giáo viên chỉ lo dạy thêm nhồi nhét đến chép còn không đủ thời gian học thì sáng tạo sao được?"

Cần thay đổi tư duy

Một độc giả cho rằng "Muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh thì văn hóa dân tộc là cốt lõi... Cốt lõi ở đây là bộ máy quản lý, mà trong đó ngành giáo dục quá kém... Phải triệt tiêu hoàn toàn văn hóa nói dối và không trung thực thì đất nước mới đi lên được". Một bạn đọc khác cũng khẳng định giáo dục là lĩnh vực cần phải thay đổi trước tiên: "Để giải quyết vấn đề này chúng ta nên làm từ gốc và điều đầu tiên là các nhà quản lý hãy giải quyết vấn đề tiêu cực trong giáo dục trước đi đã".

Độc giả Thiên Nga nhận định "quan trọng nhất là yếu tố con người, được biểu hiện bằng sức sáng tạo và tri thức khoa học đích thực. Một đất nước phát triển kinh tế bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được chứng tỏ lãnh đạo không có tầm nhìn và không chịu học hỏi... Người Việt mình, nếu được các động cơ khuyến khích phù hợp, sẽ sáng tạo không kém gì các dân tộc khác. Nhưng để làm được điều này chúng ta phải vượt qua nhiều căn bệnh thâm căn cố đế để "vượt lên chính mình". Điều này đòi hỏi lãnh đạo các cấp phải hy sinh mục tiêu ngắn hạn để đạt mục tiêu dài hạn của cả 1 dân tộc với lịch sử văn hóa lâu đời như VN".

Khác với nhiều ý kiến, độc giả Hồ Viết Thống chỉ đưa ra một mong muốn đơn giản nhưng đầy tính nhân văn: "Theo tôi xã hội cần minh bạch hơn và mỗi người cần trung thực hơn. Đó chính là những điều kiện tối thiểu để trí tuệ Việt phát triển".

Một độc giả mạnh dạn đưa ra một loạt hướng giải quyết như "đổi mới hệ thống giáo dục từ học vẹt sang thực hành, nghiên cứu nhiều hơn, dạy tiếng Anh từ mẫu giáo... Hãy học Mỹ về kinh doanh, học sáng tạo từ người Đức, người Nhật".

Rất nhiều độc giả đã lên tiếng cảm ơn bài viết rất có giá trị và đáng suy ngẫm của tác giả, cũng như tâm đắc với phần kết:

"Khi một đất nước được xem là kém cỏi trong Đổi mới/Sáng tạo, thì đồng nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được. Nó chỉ tồn tại được bằng cách bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác. Khi những thứ đó không còn nữa thì sao?"

Nguyễn Thảo (Tổng hợp)

Cẩn thận bị nhiễm giun khi ăn lươn, ếch...

Ai cũng nghĩ ăn các món thủy sản bắt từ đồng ruộng ngon và…lành nhất nhưng ít người biết mấy động vật “hương đồng gió nội” này chế biến không kỹ sẽ là nguyên nhân gây bệnh nguy hiểm cho con người.  
Mặt biến dạng vì ăn ếch đông lạnh xào lăn

Một nạn nhân của món ăn đồng quê nói trên là ông Trần Văn Minh, ngụ tại quận Gò Vấp, TP.HCM.

Trên người ông Minh xuất hiện một khối áp xe bên hàm trái. Đi khám khắp nơi, ông đều được bác sĩ nội khoa chẩn đoán bị áp xe mô, cho uống kháng sinh liều cao nhưng bệnh tình chẳng đỡ.


Chân bệnh nhân bị sưng to do có khối giun gây áp xe di chuyển.

Ông Minh càng hốt hoảng khi thấy khối áp xe mỗi ngày dịch chuyển, nhích dần về phía cằm, cổ.

Khi tới khám chuyên khoa Bệnh nhiệt đới, bác sĩ chẩn ra bệnh nhân bị khối áp xe, gây viêm mô do nhiễm loại giun có tên khoa học là Gnathosma spinigerum (kích thước dài 2 mm, đầu có 6 hàng gai nhọn).

Loại giun này sống trong các loài thủy sản như cá lóc, ếch, lươn đồng, rắn.

Ông Minh bị nhiễm giun Gnathosma spinigerum vì trước đó mua thịt ếch đồng để tủ lạnh, xào lăn ăn dần.

Thịt ếch để đông đá, xảo lăn chỉ chín được lớp ngoài, bên trong vẫn còn đỏ. Chính vì vậy trứng, nang của giun Gnathosma spinigerum còn sống, thâm nhập vào cơ thể gây áp xe.

Do ông Minh nhiễm ký sinh trùng Gnathosma spinigerum quá lâu nên khi điều trị, dù đã diệt hết giun nhưng khối áp xe bị xơ hóa, gây biến dạng khuôn mặt mãi mãi.

Bị giun gây áp xe khiến ngực to như phụ nữ

Trường hợp của cậu thanh niên Trương Văn Thành, 18 tuổi thật oái oăm. Thành không bị giun Gnathosma spinigerum gây áp xe ở mặt như ông Minh mà bị ở ngực trái.
 

Mặt bệnh nhân bị bạnh ra vì giun gây áp xe.

Khi thấy vú trái to bất thường Thành đi khám khắp nơi, được các bác sĩ chẩn đoán rối loạn nội tiết nên tuyến vú phát triển. Nhưng có một điều lạ nếu tuyến vú phát triển do rối loạn nội tiết tố thì cả hai vú phải cùng to, ở Thành chỉ có một vú trái phát triển.

Cuối cùng, khi gặp bác sĩ khám chuyên khoa ở bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Thành được biết mình nhiễm giun Gnathosma spinigerum gây áp xe.

Vì mắc bệnh lâu ngày, dù diệt hết giun nhưng khối áp xe ở vú bệnh nhân vẫn còn.

“Cậu ấy không dám mặc áo thun hay những loại áo bó sát bởi sự chênh lệch của hai vú. Điều này làm bệnh nhân vô cùng mặc cảm, thiếu tự tin” - TS. BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, chuyên gia về bệnh ký sinh trùng kể.

Điều tra bệnh sử, bác sĩ biết nguyên nhân mắc bệnh của Thành do ăn lươn xào lăn chưa chín kỹ.

Thêm trường hợp nữa bị nhiễm giun Gnathosma spinigerum qua thức ăn thủy sản là một cô giáo ngụ tại huyện Củ Chi.

Bác sĩ Siêu cho biết khi tới khám, bệnh nhân bị một khối áp xe viêm, sưng to bằng quả chanh ở cẳng chân.

“Cô ấy vô cùng hốt hoảng vì khối áp xe di chuyển dần xuống cổ chân”, bác sĩ Siêu nói.

Khối áp xe đó chính là do giun Gnathosma spinigerum tạo ra, làm bệnh nhân đau nhức kéo dài, chân biến dạng kinh dị.

Bệnh nhân kể, gia đình cô rất hay ăn cá lóc, lươn đồng. Qua đó, bác sĩ Siêu cảnh báo người dân phải tập thói quen ăn chín uống sôi.

Những thủy sản nuôi ít bị nhiễm giun Gnathosma spinigerum hơn thủy sản sống ngoài đồng nhưng quan niệm của người dân hay thích ăn cua, lươn, cá lóc, ếch đồng vì nghĩ chúng sống ngoài tự nhiên thịt sẽ chắc, ngon hơn.

Tuy nhiên, đối với thủy sản đồng phải được chế biến kỹ, nấu chín, cách thức xào lăn, hấp sơ không đủ làm chín thức ăn và giết chết trứng và ấu trùng giun sán. Khi ăn phải thức ăn này, ký sinh trùng sẽ thâm nhập vào cơ thể gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Theo bác sĩ Siêu, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, trong năm 2010, bản thân ông đã khám và điều trị cho 8 bệnh nhân (5 nữ, 3 nam) bị áp xe di chuyển dưới da do nhiễm giun Gnathosma spinigerum do ăn thủy sản.

Thanh Huyền

Thú cưng có thể làm mù mắt, sẩy thai

Nuôi thú cưng như các loại chó, mèo đang trở thành mốt nhưng ít ai nghĩ rằng từ những con vật đáng yêu đó có thể lây những loại ký sinh trùng nguy hiểm khiến trẻ em mù mắt, phụ nữ sảy thai…

Nhiều trẻ em mù vì nhiễm giun đũa chó

Trường hợp của bệnh nhi Trần Văn Việt, 8 tuổi, ngụ tại quận 5, TP.HCM là một nạn nhân của ký sinh trùng từ thú cưng.

Cha mẹ Việt gần như “đứng tim” vì sợ bởi hai mắt con trai bỗng dưng không nhìn thấy gì. Hóa ra cậu bé bị hậu quả do nhiễm giun đũa chó từ con chó cảnh nuôi trong nhà.
 Ảnh: Giun đũa chó trên tay người

Mắt Việt bị mờ dần rồi mới chuyển qua giai đoạn mù hẳn nhưng do còn nhỏ, chưa ý thức được về sức khỏe nên lúc không nhìn được nữa Việt mới nói với cha mẹ.

Trong suốt thời gian nghiên cứu về ký sinh trùng, Tiến sĩ – bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM từng gặp một số bệnh nhân là trẻ em bị mù mắt do giun đũa chó như thế.

“Trước đây có những báo cáo về ca bệnh trẻ em mù mắt do nhiễm giun đũa chó từ Bệnh viện Mắt TP.HCM. Các bệnh nhân là trẻ em ở độ tuổi từ 15 tuổi trở xuống, nhà có nuôi chó. Khi mắt mờ, do còn nhỏ, chưa có ý thức nên các em không than phiền, chỉ khi chẳng thấy đường nữa mới nói với cha mẹ. Lúc này mắt bệnh nhi đã mù hẳn”, bác sĩ Siêu nói

Nguyên nhân gây mù mắt của những bệnh nhi nói trên do nang ấu trùng Toxocara canis - giun đũa chó, trứng hiện diện trong phân chó, dính trên lông. Khi được vuốt ve, trứng giun theo lông chó bám vào tay người, qua đường ăn uống xuyên qua thành ruột, vào máu và đi khắp cơ thể.

Loại giun đũa chó này có thể tạo kén ở não, ở gan và các cơ quan nội tạng.

Đối với trẻ em khi nhiễm, giun đi vào sau võng mạc làm nạn nhân mù từ từ.

Sảy thai vì mèo cưng

Chị Hoàng Thị Hải, 32 tuổi, ngụ tại quận 4 là người phải hứng hậu quả vô cùng đau lòng từ ký sinh trùng của thú cưng.

Chị Hải rất thích mèo, nuôi một lúc 3 con mèo đủ các giống rất đẹp. Đối với chị, mèo không chỉ có nhiệm vụ đuổi chuột mà còn như người bạn thân.

Mèo nhà chị Thủy được phép leo cả lên giường, ghế sofa, nằm, ngồi chung với chủ. Mọi chuyện rất êm đềm cho tới khi chị Hải mang thai con đầu lòng.

Không chỉ vợ chồng chị mà cả hai bên nội ngoại rất vui mừng, háo hức chờ đón thành viên nhí. Nhưng khi cái thai vừa tròn 12 tuần đã bị sảy mất.

Chị Hải chưa hết đau lòng vì mất mát quá lớn lại thêm “sốc” vì nguyên nhân sảy thai của mình do mấy chú mèo cưng. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị nhiễm Toxoplasma gondii - một loại trùng bào tử sống ở ruột mèo.

Ký sinh trùng này không chỉ làm sảy thai ở phụ nữ có thai mà ở người suy giảm miễn dịch mắc phải, thường gặp là bệnh nhân HIV/AIDS, chúng còn có thể tạo nang, kén trong cơ quan nội tạng người, xâm nhập lên não làm nạn nhân tử vong vì viêm não, đây là tác nhân gây viêm não khá phổ biến trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch mắc phải .

“Tại các bệnh viện phụ sản, phụ nữ trước khi có thai cũng được làm xét nghiệm tầm soát Toxoplasma gondii để tránh gây sảy và dị tật thai nhi”, bác sĩ Siêu cho biết.

Tuy nhiên, ở một số người khi nhiễm không có biểu hiện lâm sàng, chỉ khi cơ thể suy giảm miễn dịch, các mầm bệnh mới tăng sinh và xâm lấn các cơ quan khác.

Từ đó, bác sĩ Siêu cảnh báo người dân nên có chỗ riêng để nhốt thú cưng. Sau khi vuốt ve, nựng chó, mèo phải rửa tay sạch bằng xà phòng, tránh để trứng giun ký sinh từ con vật xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống.

Riêng với phụ nữ chuẩn bị có thai, đang có thai không nên nuôi chó mèo, trước khi có thai nên đi bệnh viện làm xét nghiệm tầm soát ký sinh trùng, nếu nhiễm phải chữa dứt mới được mang bầu.

Thanh Huyền

Việt Nam ngày càng thụt lùi trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu

Những con số khách quan do Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization - WIPO thuộc LHQ) công bố tưởng như vô hồn đã nói lên rằng trí tuệ quốc gia Việt nam đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng.




Hệ thống Đổi mới/Sáng tạo quốc gia - Nguồn gốc tạo nên  trí tuệ của đất nước

Khi người cha già yếu vẫn vắt sức làm cửu vạn, còn bà mẹ bệnh tật chạy bới từng thùng rác kiếm từng đồng lẻ, cắn răng để nuôi con ăn học, chỉ với một ước nguyện duy nhất là mong con có được trí tuệ để đổi đời, không còn phải bán thân, bán sức như đời bố mẹ chúng, thì ông bà già tội nghiệp đó hiểu hơn ai hết sức mạnh và sự cần thiết của trí tuệ đối với một con người. Một quốc gia muốn “đổi đời” cũng cần có trí tuệ. Nhưng trí tuệ của một quốc gia không phải đơn thuần là phép cộng của trí tuệ từng con người, nó là do cả một hệ thống tạo lập nên. Đó chính là Hệ thống đổi mới / sáng tạo của quốc gia (national innovation system -NIS), trong đó trí tuệ của từng con người là một thành tố. NIS được định nghĩa là hệ thống các chủ thể và các mối tương tác với nhau của các chủ thể đó, bao gồm tổ chức nhà nước, các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp công và tư (lớn hoặc nhỏ), các trường đại học và các cơ quan chính phủ, nhằm mục đích sản sinh các sản phẩm sáng tạo, các sản phẩm khoa học và công nghệ (S&T) trong khuôn khổ lãnh thổ một quốc gia. Các mối tương tác giữa các chủ thể này bao gồm các vấn đề thuộc về chính sách, kỹ thuật, thương mại, pháp lý, xã hội và tài chính của các hoạt động đổi mới /sáng tạo dưới các dạng thức như sự phát triển, bảo hộ, tài trợ hoặc quyj  phạm…

Từ năm 2007, WIPO đã cùng một số đại công ty, tổ chức phi chính phủ cho ra đời hệ thống Chỉ số Đổi mới/Sáng tạo toàn cầu - Global Innovation Index (GII) và lập ra bảng xếp hạng hằng năm của các quốc gia trên thế giới.

Định nghĩa của sự đổi mới/sáng tạo nay đã mở rộng, nó không còn giới hạn với các phòng thí nghiệm R&D hoặc với  việc xuất bản các bài báo khoa học, mà còn bao gồm cả những đổi mới/sáng tạo về tổ chức quản lý xã hội cũng như đổi mới/sáng tạo mô hình kinh doanh. Đổi mới /sáng tạo được thể hiện ở đầu vào và đầu ra của cả một quốc gia. Đó là một chỉ số đánh giá về trí tuệ, về hoạt động và thành quả của hoạt động trí tuệ con người, không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, về tài sản thừa kế, vay mượn, cướp bóc hay những may mắn bất ngờ nào cả [1].

Đổi mới/sáng tạo là động lực quan trọng cho sự tiến bộ kinh tế và sức cạnh tranh đối với các nước đã phát triển cũng như đang phát triển. Nhiều Chính phủ đang đặt sự đổi mới/sáng tạo thành trung tâm của chiến lược phát triển.

Thứ bậc Việt Nam trên bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu

Năm 2011 chúng ta vui mừng trên bảng chỉ số Đổi mới/sáng tạo toàn cầu Việt Nam ngoi lên được trên trung bình đứng thứ 51 trong 125 nước. Niềm vui ngắn chẳng tầy gang, 2012 ta lại tụt sâu xuống nửa dưới của thế giới, thứ 76 trên 141 nước! Nhìn lại quá trình từ 2007 khi bắt đầu có sự đánh giá thì tình hình còn bi đát hơn, chẳng những kém cỏi mà xu hướng là suy giảm liên tục. Sự ngoi lên năm 2011 có thể là ngẫu nhiên, không phải là thực chất như sẽ phân tích về điểm số ở phần dưới. Thứ bậc đơn lẻ chưa nói lên điều gì nhiều, cần phải có sự so sánh với bạn bè xung quanh thì mới biết ta đang ở đâu. Bảng 1, liệt kê thứ bậc và điểm số đánh giá của Việt Nam và các nước lân bang [2,3].

Bảng 1: Thứ bậc, Điểm đánh giá Chỉ số Đổi mới/ Sáng tạo của Việt nam và các nước xung quanh
Năm
Số nước
Điểm cao nhất
Việt Nam Malaysia Singapore Thái Lan
Điểm Bậc Điểm Bậc Điểm Bậc Điểm Bậc
2008 153 5.8 2.38 65 3.47 26 4.1 7 3.01 34
2009 130 5.28 2.97 64 4.06 25 4.81 5 3.4 44
2010 132 4.86 2.95 71 3.77 28 4.65 7 3.06 60
2011 125 74.1 36.71 51 44.05 31 74.11 1 43.33 48
2012 141 68.2 33.9 76 45.9 64.8 64.8 3 36.9 57

Vì tổng số nước được đánh giá hàng năm là khác nhau,cho nên không thể lấy thứ hạng tuyệt đối hàng năm để so sánh sự lên xuống của một nước, mà phải có một thước đo thống nhất. Chúng ta sẽ chia thế giới làm hai nửa bằng nhau, lấy đường phân chia làm gốc số không,thứ hạng được tính là bao nhiêu bậc trên (+) hoặc dưới (-) trung bình (số không). Thế vẫn chưa ổn, vì mỗi nửa hàng năm có tổng số bậc khác nhau, nên ta phải quy ra thành mỗi nửa đều có 100 bậc, và thứ bậc của mỗi nước hàng năm được quy thành số phần trăm trên (+) hoặc dưới (-) trung bình. Nói một cách hình ảnh, nếu thường xuyên ngụp lặn ở dưới mức trung bình thì nguy cơ được xem là một quốc gia thiểu năng trí tuệ chắc khó tránh khỏi.




Trên hình 1 ta có thể thấy trực tiếp sự kém cỏi của ta so với Malaysia cũng như Thailand, còn Singapore thì ở mức quá cao, so sánh thứ bậc chẳng có ích gì nữa.

Thứ hạng chỉ số đổi mới/sáng tạo của các nước có lúc tăng lúc giảm, nhưng khuynh hướng là tăng và luôn luôn trên trung bình, còn Việt Nam ta chủ yếu là ở nửa dưới, nhấp nhổm ngoi lên trên trung bình đôi chút, mà khuynh hướng nói chung là càng ngày càng giảm. Sự tăng đột biến năm 2011 có lẽ là nhờ năm đó chỉ có 125 nước tham gia xếp hạng, thấp nhất trong các năm.

Thứ hạng cho ta sự so sánh với cộng đồng, và căn cứ để xếp hạng là điểm số. Chính điểm số đánh giá chất lượng của thứ hạng. Tuy nhiên, việc chấm điểm hàng năm có thể khác nhau, thang điểm cũng có thể khác nhau, cho nên không có cách nào định điểm trung bình làm gốc. Chúng ta chỉ có thể lấy một nước nào đó để làm mốc so sánh chúng ta với nước đó hàng năm. Singapore là nước luôn nằm trong tốp 10 thế giới và số 1 châu Á. Vì vậy, hãy so sánh điểm số của Việt Nam với Singapore, ít nhất cũng cho ta cảm nhận Việt Nam được bao nhiêu phần của Singapore và khoảng cách đó giảm hay tăng. Nhìn vào hình 2, thấy rõ trí tuệ sáng tạo của ta chỉ bằng trên dưới một nửa của Singapore, và càng ngày càng lùi xa. Ngay cả năm 2011 mà chúng ta vui mừng, thì qua cách đánh giá bằng điểm số, chất lượng của thứ hạng vượt lên trung bình năm đó cũng không thực chất, vì khoảng cách với Singapore về điểm số lại giãn ra chứ không thu hẹp như vị trí thứ hạng.



Thật là đáng buồn khi những con số khách quan, tưởng như vô hồn đó lại đã nói lên rằng trí tuệ quốc gia Việt Nam đang ngụp lặn ở nửa dưới của thế giới và với xu hướng ngày càng chìm sâu, thụt lùi xa so với láng giềng, nếu cứ đà này tiếp diễn thì nguy cơ dẫn đến mức Việt Nam trở thành quốc gia trí tuệ kém phát triển là nhãn tiền!

Phải chăng trí tuệ của con người và dân tộc Việt Nam thấp?

Như đã biết, Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII- Global Innovation Index) được tính theo hai nhóm chỉ số con, là nhóm các chỉ số đổi mới/sáng tạo đầu vào và nhóm các chỉ số đầu ra. Có tổng cộng 7 tiêu chí (gốc) cơ bản.

Năm tiêu chí gốc tạo nên nhóm đầu vào (Innovation Input) đều gắn chặt với các yếu tố quản lý điều hành nhà nước và môi trường hoạt đông kinh tế quốc dân, tạo tiền đề cho các hoạt động đổi mới/sáng tạo. Đó là: (1) Các tổ chức nhà nước, (2) Nguồn lực con người, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Độ chín của thị trường, và (5)  Mức hoàn thiện của kinh doanh.

Hai tiêu chí gốc hợp lại thành nhóm Đầu ra của  đổi mới/sáng tạo (Innovation Output) [1]  gồm: (6) Kết quả khoa học (Scientific outputs), (7) Thành quả sáng tạo (Creative outputs) .
Để tìm hiểu xem, nguyên nhân nào làm cho trình độ Đổi mới /Sáng tạo của Việt Nam kém cỏi như vậy, ta hãy xem xét vài tiêu chí cơ bản có ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhóm đầu ra gồm kết quả khoa học và các thành quả của sáng tạo. Đó là những tiêu chí phản ảnh trí tuệ cũng như cách vận dụng trí tuệ để tạo ra kết quả sáng tạo. Nếu những tiêu chí này thấp tức trình độ trí tuệ con người ở đó thấp. Trong các tiêu chí đầu vào, thì hai tiêu chí về Các tổ chức Nhà nước (Institutions) và Nguồn vốn con người (Human Capital/Capacity) là rất quan trọng. Chẳng hạn về tổ chức, người ta phải đánh giá 3 tiêu chí nhánh: Môi trường chính trị, Môi trường điều hành, Môi trường kinh doanh. Đây đều thuộc về trách nhiệm của tổ chức nhà nước. Về Nguồn vốn con người thì phải đánh giá đến Giáo dục phổ thông, Đào tạo Đại học và dạy nghề, Nghiên cứu và triển khai. Việc đầu tư và chăm lo cho những nhiệm vụ này cũng là trách nhiệm chính của các cơ quan quản lý nhà nước. Những tiêu chí này tạo tiền đề cho Đổi mới /sáng tạo. Nếu những tiêu chí này thấp, thì Chỉ số Đổi mới sáng tạo không những không cao mà còn bị kéo thấp xuống. Có nghĩa làm trí tuệ của đất nước thụt lùi. Bảng 2 là số liệu của thế giới đánh giá Việt Nam về mặt Tổ chức, Vốn con người và Đầu ra đổi mới/sáng tạo [2,3].

Bảng 2 : Việt Nam - Điểm và thứ hạng của các tiêu chí Tổ chức, Vốn con người và Đầu ra sáng tạo

Năm Số nước xếp hạng Tổ chức Nhà nước Vốn về con người Đầu ra sáng tạo
Điểm Bậc Điểm Bậc Điểm Bậc
2009 130 3.38 99 3.82 69 2.52 63
2010 132 3.47 113 3.27 92 2.38 67
2011 125 54.9 84 31.7 85 33.34 42
2012 141   112 26.1 107 30.8 59
Chúng ta cũng sử dụng phương pháp chuẩn hóa số liệu như trình bày ở phần trên, và kết quả có một hình ảnh trực quan về ba yếu tố này như trình bày ở hình 3. Không khó khăn để nhận ra rằng chỉ số về Tổ chức và Nguốn vốn con người của Việt Nam chẳng những dưới trung bình mà có lúc còn nằm gần sát đáy nửa dưới. Trong lúc chỉ số đầu ra, đánh giá năng lực con người Việt Nam thì luôn nằm khá cao ở nửa trên của thế giới. Rõ ràng là trí tuệ của con người và dân tộc Việt Nam không hề thấp.




Nguyên nhân khiến chỉ số về trí tuệ của Việt Nam đang ngày càng thụt lùi không phải do con người Việt Nam kém cỏi mà là do sự bất cập của Tổ chức quản lý nhà nước và  sự yếu kém trong chăm lo đầu tư cho Vốn con người.

Thay lời kết

Cộng đồng quốc tế phải thu thập phân tích hàng vạn số liệu, và chúng ta phải nghiền ngẫm hàng ngàn trang giấy, xây dựng mô hình tính toán xử lý hàng ngàn con số vô hồn chỉ để đưa ra một kết luận giản đơn ai cũng biết cả, về nguyên nhân yếu kém của hệ thống Đổi mới / sáng tạo quốc gia của Việt Nam. Nhìn lại thấy việc làm này thật là “ngớ ngẩn”, vì chỉ cần liếc mắt đã có thể dễ dàng thấy hiện tượng này khắp nơi. Chẳng hạn như ở vùng sâu, tận cuối đồng bằng sông Cửu Long, thầy Hải cùng 3 học trò trường THPT An Lạc Thôn (Kế Sách, Sóc Trăng) mày mò tự bỏ tiền của công sức sáng tạo nghiên cứu thành công  công trình “Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm”, rất hữu ích và đạt được giải thưởng. Không có tiền làm lộ phí đi nhận thưởng, thầy trò đăng báo xin tài trợ. Số tiền chắc không bằng một bữa nhậu của quan chức địa phương .Nhưng thầy trò chẳng những không nhận  được sự hỗ trợ kinh phí nghiên cứu cũng như đi lại của chính quyền, thay vào đó là bị huyện yêu cầu kiểm điểm vì dám công khai xin tài trợ (làm xấu mặt quan chức) [4].

Đó chỉ là chuyện ở một nơi xa xôi hẻo lánh, dân trí và trình độ cán bộ còn thấp, bàn đến chuyện Đổi mới/Sáng tạo làm gì. Thế nhưng chuyện một vị giáo sư, Hiệu trưởng một trường Đại học hàng đầu ở Hà nội đã thở dài mà than “… Hà Nội vừa mới mua mấy trăm cái iPad thời thượng (hết hơn 3 tỷ!) để phát cho Đại biểu HĐND [5] mỗi người một cái (để làm gì...?). Trong khi đó cả năm nay, trường Đại học chúng tôi không được kho bạc Hà Nội giải ngân cho một xu để mua máy tính cho Sinh viên,Thầy giáo sử dụng cho học tập và nghiên cứu. Lý do họ bảo là phải tiết kiệm đầu tư công!”, thật đáng để suy ngẫm!

Khi một đất nước được xem là kém cỏi trong Đổi mới/Sáng tạo, thì đồng nghĩa với việc đất nước ấy không thể tự phát triển được. Nó chỉ tồn tại được bằng cách bán cho đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, vắt cho đến cùng cực sức cơ bắp để làm thuê cho người khác. Khi những thứ đó không còn nữa thì sao?

(Theo GS.TSKH Trần Xuân Hoài - Tạp chí Tia sáng)