Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

Công nghệ biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt

Đà Lạt là vựa sản xuất rau củ quả lớn trong cả nước, nhưng thời gian qua trở thành nơi gia công để giúp khoai tây Trung Quốc đội lốt thành hàng Đà Lạt. "Chỉ bằng một lớp đất đỏ Đà Lạt, họ đã thay áo mới cho khoai nhập từ phía Bắc, từ đó tỏa đi khắp các chợ đầu mối ở miền Nam. Thương hiệu khoai tây Đà Lạt bị đánh cắp ngay tại quê nhà", Thạc sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Lâm Đồng bức xúc.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, Sở sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để siết chặt các mặt hàng nông sản nói chung khi vào thị trường Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những loại có nguồn gốc từ Trung Quốc.
NV1-JPG-1371539274_500x0.jpg
Máy móc dùng để tân trang thành khoai tây Đà Lạt. Ảnh: Quốc Dũng

Tuy nhiên, ghi nhận của VnExpress.net, sau khi Đà Lạt tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc nhiễm chất độc, việc “thay áo’’ cho khoai Trung Quốc thành hàng Đà Lạt bằng một lớp đất đỏ hiện vẫn diễn ra khá nhộn nhịp ở chợ nông sản Đà Lạt. Các tiểu thương chỉ giải thích "số hàng này mua từ huyện Đức Trọng, nhưng do màu đất ở Đức Trọng không đẹp như Đà Lạt nên mới đánh bóng cho bắt mắt".
Hiện việc tân trang cho khoai tây Trung Quốc không còn thủ công như những năm trước mà tiểu thương mua máy móc từ Trung Quốc với giá 50-70 triệu đồng để làm việc này. Mỗi máy trong một giờ có thể cho ra 150-200kg “thành phẩm’’. Một số nhà vườn Đà Lạt cho biết, hiện khoai tây Đà Lạt đã hết mùa canh tác, nhất là sau những tháng mưa lớn, mưa đá vừa qua, diện tích còn lại rất nhỏ. Chỉ còn khoai chính vụ được cất trữ lại với vẻ ngoài cũ kỹ, vỏ khô, da bóng hoặc hơi nhăn.
NV-JPG-1371539275_500x0.jpg
Mỗi máy trong một giờ có thể cho ra 150-200kg “thành phẩm’’. Ảnh: Quốc Dũng
Hầu hết các chợ TP HCM đều có bán khoai tây Trung Quốc. Theo đại diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, hiện lượng khoai nhập về chợ mỗi đêm 30 tấn, trong đó một nửa là hàng Trung Quốc. Hàng từ đây sẽ di chuyển khắp các chợ nhỏ lẻ ở nhiều quận huyện nội, ngoại thành Sài Gòn.
Việc xác định xuất xứ của khoai chỉ căn cứ vào khai báo của người bán. “Các tiểu thương khi nhập khoai tây về chợ đều báo cáo rõ xuất xứ nguồn gốc nên chúng tôi cũng dễ kiểm soát. Bên cạnh đó, hàng tháng, Chi cục Bảo vệ thực vật đều lấy mẫu sản phẩm để kiểm tra chất lượng cả khoai tây Trung Quốc và Việt Nam nhưng hiện chưa có gì đáng lo ngại”, đại diện chợ nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm bán rau củ quả, chị Hạnh ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) chia sẻ, chuyện "tân trang" thành khoai Đà Lạt đã xuất hiện từ lâu. Khoai Đà Lạt có vỏ mỏng, dễ trầy xướt khi đổ thành đống chứ không được nguyên vẹn như hàng đã ngụy trang. Nhìn bề ngoài, nhiều củ có màu hồng, dính đất đỏ giống như trồng ở nhà vườn Lâm Đồng nhưng thực chất không phải.
khoai-tay-1371539122_500x0.jpg
Khoai tây Đà Lạt vỏ mỏng dễ bị trầy xước. Ảnh: Thi Hà
Ông Phạm Văn Chiến, Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật TP HCM cũng cho biết, mấy tháng gần đây cũng liên tục tiến hành kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở khoai tây Trung Quốc bày bán tại TP HCM nhưng chưa phát hiện dấu hiệu sai phạm. Mới đây, sau khi có thông tin khoai tây Trung Quốc nhiễm độc ở Đà Lạt, Chi cục đã cho người đến các chợ lấy mẫu xét nghiệm và khoảng 3-4 ngày nữa mới có kết quả. Nếu có nhiễm độc sẽ tiến hành tiêu hủy và xử phạt nghiêm.
Nhiều siêu thị tại TP HCM khẳng định kiểm tra kỹ nơi cung ứng nguồn hàng nên không để lọt khoai giả danh hàng Đà Lạt trà trộn vào siêu thị. Nơi này cũng không nhập khoai tây Trung Quốc.
Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximart cho biết, hiện siêu thị chỉ bán duy nhất một loại khoai tây Đà Lạt. Để tránh nhầm lẫn với khoai Trung Quốc, khi làm hợp đồng mua bán siêu thị cũng khảo sát nhà cung ứng, phải có trang trại trồng và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Thông tin từ Co.op mart cũng cho hay, siêu thị không bán khoai tây Trung Quốc mà lấy hàng của các nhà vườn ở Lâm Đồng, như: HTX Anh Đào, trang trại Phong Phú và công ty Thảo Nguyên. Ngoài ra, các công đoạn sản xuất ở những nhà vườn này phải đạt tiêu chuẩn VietGAP mới được vào siêu thị.
Đại diện siêu thị khẳng định thường xuyên khảo sát, đánh giá thực tế tại trang trại nên dễ dàng phát hiện nếu số lượng hàng nhập tăng đột biến do bị trà trộn hoặc vì bất kỳ nguyên nhân khác.
Chia sẻ cách nhận biết, bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, ruột khoai Trung Quốc không phải vàng tươi như hàng Việt Nam, củ to, độ tươi ngon kém. Khoai Việt Nam có độ bùi và dẻo hơn.
Theo bà Thu, khoai tây Trung Quốc mùa nào cũng có nhưng hàng Đà Lạt không phải khi nào cũng trồng được. Cứ tới mùa mưa là khoai bị hỏng, lúc đó siêu thị nhập khẩu từ Mỹ, chỉ có số ít ở Đà Lạt cho nên giá khoai tây lúc đó cao hơn so với bình thường.
Quốc Dũng - Thi Hà

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

Nắm chặt tay giúp tăng trí nhớ

Chúng ta đều biết não có tác động đến các hoạt động của tay, vậy ngược lại, các hoạt động của tay sẽ phản ánh điều gì về sự phát triển của hai bán cầu đại não? Trả lời được câu hỏi này sẽ rút ra điều có ích trong cuộc sống và làm thay đổi quan niệm về thuận tay phải hay trái.
 
 
 
Tạp chí Plosone số 8 đã công bố một nghiên cứu của nhà nghiên cứu Ruth E Propper và các đồng nghiệp của ông tại Đại học bang  Montclair về mối liên quan giữa sự nắm chặt tay và ý nghĩ. Theo đó, trong nghiên cứu của mình, họ chỉ rõ hai việc: đầu tiên là ghi nhớ một bảng danh sách (gọi là quá trình hình thành việc nhớ) sau đó nhắc lại 72 từ đã ghi nhớ được trong bảng danh sách đó (gọi là quá trình nhớ lại). Thử nghiệm được tiến hành cùng với việc nắm chặt bàn tay phải, tay trái hoặc không nắm bàn tay nào. Kết quả cho thấy, chỉ có nhóm nắm tay phải trong quá trình hình thành việc nhớ và nắm tay trái trong quá trình nhớ lại có hiệu quả cao hơn cả so với các nhóm khác. Từ đó họ đưa ra kết luận: nắm chặt một bàn tay sẽ kích hoạt vùng não cụ thể; sự kích hoạt đó có liên quan đến trí nhớ: nắm chặt bàn tay phải giúp cho quá trình hình thành việc nhớ tốt hơn, nắm bàn tay trái giúp cho quá trình nhớ lại tốt hơn.
 
Trước đó, tạp chí Tâm lý học thực nghiệm (19/9/2012) công bố một nghiên cứu của Hội Tâm lý học Mỹ về mối quan hệ giữa việc tay siết chặt một quả bóng hoặc nắm chặt bàn tay trái để giành chiến thắng của vận động viên trước đối thủ cạnh tranh. Thử nghiệm chỉ thực hiện trên những người thuận tay phải. Kết quả cho thấy, khả năng chịu đựng áp lực của nhóm siết một quả bóng trong tay trái tốt hơn (ít bị nghẹt thở hơn) so với nhóm siết chặt quả bóng trong tay phải (bị nghẹt thở nhiều hơn trước áp lực). Các nhà khoa học đưa ra cách giải thích: Bán cầu não phải kiểm soát phần chuyển động của bên trái, bán cầu não trái kiểm soát vận động về bên phải. Việc siết chặt quả bóng trong bàn tay trái sẽ kích hoạt bán cầu não phải, do đó làm tăng sức chịu đựng áp lực. Các chuyên gia đã đưa ra cùng một nhận xét trong thể thao: Khi vận động viên có ý thức để kiểm soát sự hoạt động một cách thái quá thì chính sự nỗ lực thái quá này tạo ra một áp lực và áp lực này làm suy yếu, mất hiệu quả của sự hoạt động. Chẳng hạn, cố gắng thái quá để giữ thăng bằng thì chính điều này tạo ra áp lực làm cho vận động viên mất thăng bằng. Lẽ dĩ nhiên, vận động viên cần có một động tác nào đó để chống lại áp lực này mới chiến thắng được. Trong đời sống cũng vậy, người già hay sợ bị ngã khi leo cầu thang, sự lo lắng thái quá này tạo ra một áp lực. Họ siết chặt tay trái của mình làm tăng sức chịu đựng trước áp lực và nhờ đó mà không bị té ngã. Phải chăng vì điều này mà các nhà khoa học thường khuyên vận động viên và mọi người cần phải có tâm lý thoải mái trước mỗi thử thách hay chướng ngại vật cần vượt qua mà không nên tạo ra áp lực (trước thi cử, biểu diễn, thi đấu...).

Siết chặt tay liên quan đến việc kích động bán cầu não. Vậy người thuận tay phải, người thuận tay trái sẽ khác nhau thế nào? Giáo sư nhân chủng học David Frayer (Đại học Kansas, Mỹ) cùng các đồng nghiệp ở Crotia và Italia, Tây Ban Nha đã công bố một bài báo (20/4/2011) cho rằng: Từ thời tiền sử cách đây nửa triệu năm, số người thuận tay phải đông hơn (93,1%) so với người thuận tay trái (6,9%). Tỷ lệ đó hầu như không đổi cho đến nay. Theo David Frayer, sự thuận tay phải chứng tỏ khả năng phát triển của bán cầu não trái và vì bán cầu não trái chịu trách nhiệm về ngôn ngữ nên cũng vì thế mà có thể hiểu  được vì sao ngôn ngữ lại sớm phát triển ở người thời tiền sử. Trong các môn thể thao tình huống luôn luôn thay đổi, đòi hỏi sự xử lý nhanh như bóng đá, cầu lông thì vận động viên thuận tay phải chiếm ưu thế, song trong  các môn thể thao đòi hỏi cao sự quyết tâm, sự chịu đựng như chơi golf, boxing, khúc côn cầu, bóng chày thì vận động viên thuận tay trái lại chiếm ưu thế.
Các nghiên cứu trên có sự độc lập với nhau, song các kết quả lại tương đối trùng hợp, có thể đưa đến kết luận: Sự nắm chặt bàn tay phải giúp cho quá trình hình thành trí nhớ, ghi nhớ và xử lý tình huống tốt hơn thì sự nắm tay trái lại giúp cho quá trình nhớ lại, giúp cho việc chịu đựng áp lực tốt hơn. Bởi vậy, việc thuận tay nào cũng có vai trò quan trọng cả. Sự thuận tay phải hay tay trái phản ánh tính linh động của bán cầu não tương ứng, chứ không phản ánh ưu thế của sự thuận tay nào, dù cho số người thuận tay phải chiếm đa số.
DSCKII. Bùi Văn Uy