Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Những cách hiệu quả chống quấy rối tình dục nơi công sở

Để đối phó với những "dê cụ" nơi công sở, các cô gái có thể áp dụng những tuyệt chiêu sau:

- To mồm: Một cô gái mồm to, không nề hà chuyện kín chuyện hở, thẳng như ruột ngựa là điều chúng tôi ngán nhất. Con gái con đứa có chuyện gì phải ý tứ, mới bị cấu véo tý chút đã nhẩy lên mắng người ta quang quác rồi dọa đánh dọa chém thì lần sau... những gã "dê xồm" sẽ không dám tới gần.


Dê Xồm có ở khắp nơi.

- Nhỏ nhưng có võ: "Dê xồm" không thích những nàng biết vài chiêu võ, móng tay giũa nhọn, hay đi tuyên truyền về luật "thiến hóa học" dành cho kẻ quấy rối tình dục. Dù gì chuyện đó cũng là chuyện tế nhị cơ mà, sao lại thượng cẳng chân, hạ cẳng tay thế?

- Lành làm gáo, vỡ làm muôi: Một cô nàng không bao giờ chịu "ra giá" cho cơ thể của mình cũng là một kiểu các "dê xồm" kiêng nể. Cô ấy biết cô ấy đang đứng ở đâu, có giá trị như thế nào và không có một bản hợp đồng hay một quyết định thăng chức nào "mua" được cô ấy.

- Đa nghi như Tào Tháo: Cô ấy ăn mặc kín đáo, cứ khi nào đồng nghiệp nam đùa tục tĩu là cô lại... đeo tai nghe vào. Sếp gọi vào phòng riêng thì mở cửa to "cho thoáng". Cô không bao giờ đi vào những nơi tối như phòng kho, hầm vắng mà không có người đi cùng, hôm nào về muộn thì mở điện thoại gọi oang oang cho...bố. Mới đây, cô còn khoe vừa tậu được loại bình xịt hơi cay mini xịt phát mù mắt luôn.

- Hay kể lể kiêm đáo để: Cô ấy ngon và thơm, cô ấy thích ăn mặc sexy, cô ấy cởi mở và cũng thích trêu đùa. Nhưng các "dê xồm" chẳng bao giờ dám đụng tới cô ấy vì cô ấy rất thích kết thân với... vợ sếp và bạn gái đồng nghiệp.

- Bạn trai cô ấy đầu gấu lại còn hay đến đưa đón nữa chứ. "Dê xồm" có ngu đâu mà đi làm mồi cho gấu?

- Dọa ghi âm báo, chụp hình báo cho cảnh sát: tuyệt chiêu này áp dụng cho những gã dê xồm bất trị. Nếu hắn vẫn chứng nào tật ấy thì cần tố cáo để pháp luật trừng trị.

(Theo TTVN)

Để trẻ con tự do theo đuổi ước muốn của mình thì xã hội mới phát triển được

Để khoa học và giáo dục phát triển, người lớn phải tạo môi trường cho trẻ thực hiện ước muốn bản thân, không nên tạo áp lực buộc các em phải giành giải thưởng nào đó, giáo sư đạt giải Nobel Hóa học 1996 khuyên.

Hôm qua giáo sư Harold Kroto, nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học thuộc Đại học bang California, Mỹ đến Hà Nội tham dự chuỗi sự kiện "Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình" lần thứ tư tại Đông Nam Á.

Giáo sư Harold Kroto. Ảnh: Hương Thu.

- Mục đích ông tới Việt Nam lần này là gì?

- Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi sẽ tham gia giảng về chủ đề "Giáo dục- nền tảng của hòa bình và chìa khóa khai sáng nhân loại" tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tôi có trọng trách giải thích cho thế hệ trẻ hiểu rằng những vấn đề mà giới khoa học đi trước như chúng tôi từng vướng phải có thể là điều thế hệ đang ngồi trên giảng đường gặp trong tương lai. Nếu họ không hiểu thấu đáo vấn đề đó, thì trong tương lai họ còn gặp rất nhiều khó khăn hơn thế hệ chúng tôi.

"Chúng ta phải dạy trẻ biết cách đặt câu hỏi để thể hiện sự hoài nghi... Trong xã hội không có quyền tự do đặt câu hỏi và hoài nghi, trí tuệ sẽ không thể tiến bộ", giáo sư Harold Kroto.

Trong chuyến thăm lần này, tôi còn muốn được chuyển tải ba mối lo lắng của mình khi mọi người đang không biết làm thế nào để giải quyết nhiều vấn đề trên thế giới. Tôi cho rằng, để thế giới tồn tại cần gỡ bỏ rào cản giữa các quốc gia, gỡ bỏ rào cản giữa suy nghĩ mang tính quốc gia riêng. Mặt khác, các dân tộc cần phối hợp lợi ích, lợi ích của Việt Nam sẽ là lợi ích có liên quan với nước khác. Và cuối cùng để tồn tại, các quốc gia cần phối hợp và làm việc trong hòa bình.

Hiện nay nhiều người hiểu sai về lĩnh vực khoa học. Khoa học không phải kiến thức học trường phổ thông, hay việc áp dụng kiến thức khoa học tìm được. Khoa học cũng không phải cách phát hiện sự kiện mới, mà khoa học chính là cách nghĩ của mỗi người.

Vậy nên chúng ta phải có cách nghĩ khoa học thì mới biết được liệu những điều mình nghe là đúng hay sai. Điều này rất quan trọng vì nó còn liên quan đến vấn đề đạo đức. Giới cầm quyền thế giới có xu hướng cố gắng thuyết phục mọi người rằng những điều họ làm là đúng, vì thế mọi người cần biết cách phân biệt đâu đúng, đâu sai.

Chúng ta phải dạy bảo thế hệ trẻ cách đặt câu hỏi thể hiện hoài nghi sự với kiến thức các em được học, hay các thông tin của truyền thông.

Kiến thức không đương nhiên giúp người ta đưa ra quyết định đúng đắn. Quyết định đúng đắn có được là nhờ tự suy logic. Hãy nhìn vào các nước phát triển hiện nay, họ có quyền tự do đặt câu hỏi và nghi ngờ, con người nếu không sống trong xã hội như thế thì nền văn hóa, cuộc sống trí tuệ sẽ không thể tiến bộ.

- Tại sao ông lại chọn lĩnh vực hóa học để theo đuổi?

- Khi còn ngồi ghế nhà trường, tôi học rất giỏi hóa học và nghệ thuật vẽ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông năm 1950, tôi thấy nếu đi theo khoa học cơ hội việc làm lớn nhiều.

Như vậy, trước tiên tôi chỉ nghĩ học và làm hóa tôi sẽ có công việc tốt. Tôi chưa bao giờ nghĩ làm cái này để có giải thưởng A hay B. Khi nghiên cứu cũng vậy, tôi chưa hề đề ra mục tiêu sẽ đạt giải Nobel, vì khả năng phát hiện ra chất mới là rất ít, song thật không ngờ, tôi lại tìm ra chất mới.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là không chỉ tôi mà hầu hết giới khoa học khi nghiên cứu họ không đặt ra mục tiêu ban đầu các phát hiện của mình sẽ được ứng dụng như thế nào trong cuộc sống. Để minh chứng điều này, các bạn có thể nhìn lại phát minh của nhân loại để thấy.

- Ông có lời khuyên nào cho các em học sinh muốn học giỏi môn hóa học?

- Để học môn hóa học giỏi, chúng ta phải học ngôn ngữ hóa học đó, vì mỗi môn khoa học đều có ngôn ngữ riêng. Ví dụ, muốn hiểu Việt Nam phải hiểu tiếng Việt trước. Tôi nhận thấy vấn đề xảy ra ở nhiều người là họ thích áp dụng khoa học công nghệ cụ thể chứ không hiểu khoa học theo chiều sâu hay theo khía cạnh thực chất của khoa học. Cụ thể như khi tôi nói về con chip, các bạn biết ngay nó áp dụng trong các điện thoại di động, nhưng các bạn không hiểu khía cạnh khoa học, hay ngôn ngữ ứng dụng này, nên sẽ khó mà học giỏi được.

- Theo ông, làm thế nào để Việt Nam cũng có giải Nobel?

- Không chỉ Việt Nam, mà các nước châu Á luôn mong có giải thưởng về toán học, vật lý. Nhưng với những nhà khoa học đạt giải như Ngô Bảo Châu, mục tiêu ban đầu không phải tiến hành nghiên cứu để đạt giải thưởng gì đó. Tôi tin, giáo sư Châu đã tìm được môi trường giáo dục tốt để theo đuổi ước muốn của mình, chính điều này giúp giáo sư Châu đạt giải thưởng cao.

Cá nhân tôi cũng vậy, tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải có bằng được giải Nobel. Nếu tôi có mục tiêu đó, tôi sẽ không chọn nghiên cứu hóa học vì ban đầu tôi đánh giá lĩnh vực này tiềm năng rất thấp, phát triển không lớn.

Vì thế, điều quan trọng là Việt Nam hay các nước phương Đông nên tạo môi trường, trong đó trẻ em có thể tự do theo đuổi ước muốn của mình, từ đó mới có phát kiến như các nước khác.

Không nên tạo áp lực lên học sinh, buộc các em phải có giải thưởng. Ở Việt Nam có rất nhiều em giành giải cao trong nước nhưng lại không có giải thưởng quốc tế.

Hãy nhìn lịch sử Nhật 40 năm trước, họ đầu tư chủ yếu cho khoa học cơ bản, chứ không tập trung ngay cho khoa học ứng dụng. 40 năm sau, nước Nhật có một số nhà khoa học có giải Nobel. Vì thế, điểm quan trọng cần tạo ra là môi trường giáo dục và học thuật mà người trẻ có thể tự do thực hiện ước muốn của mình.

Việt Nam nên tập trung giáo dục đào tạo cho thế hệ trẻ, giúp các em có niềm đam mê với môn khoa học ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Nhìn vào thanh niên, tôi thấy có hai nhóm cơ bản. Thứ nhất là nhóm thanh niên có thể giải quyết rõ ràng vấn đề đặt ra cho xã hội cũng như công việc rất hiệu quả. Còn nhóm khác giống như tôi chỉ theo đuổi một lĩnh vực, thứ mà mình quan tâm thôi. Nhóm người này sẽ phát hiện ra phát kiến độc đáo và mang tính đột phá cao.

Giáo sư Sir. Harold Kroto là nhà khoa học đoạt Nobel thứ tư đến thăm Việt Nam. Ông được phong tước hiệp sĩ năm 1996 cho các đóng góp của ông trong lĩnh vực hóa học. Ông nhận tất cả 37 bằng tiến sĩ danh dự từ các trường đại học trên toàn thế giới.
Ông đã phát hiện ra hợp chất carbon mang tên fullerenes và một loại nguyên tố carbon mới: Buckminsterfullerene (C60). Phát hiện của ông về C60 gây chấn động lớn trong giới khoa học, và là khởi đầu cho một lĩnh vực nghiên cứu hóa học hoàn toàn mới, với tầm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực đa dạng như vật lý, hóa học, sinh học và thiên văn học.

Hương Thu

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Vui tết tiết kiệm với việc mua chung quà quê

Đồ quê ngon rẻ
Thưởng tết bèo bọt, giá cả leo thang khiến các bà nội trợ đau đầu tính cách tiết kiệm chi tiêu tết. Săn hàng giảm giá, mua chung, mua tận gốc, về quê sắm tết, tự chế biến...  là những chiêu mà bà nội trợ rỉ tai nhau để thu vén cho được một cái tết ấm cúng.

Ra Hà Nội đã hơn 10 năm song chị Quách Thu Thủy, Trung Hòa, Nhân Chính vẫn có thói quen nhờ bố mẹ mua thực phẩm từ quê gửi xuống.

Tết đến, vợ chồng chị Thủy về quê nội ăn tết song từ trước tết cả tháng, chị đã nhận “đặt hàng” của hàng xóm, đồng nghiệp cùng cơ quan về gà, thịt lợn, rau củ quả để nhờ bố mẹ trên quê gom hộ.

Chị Thủy kể: “Tết đến, mọi người lại nhờ, người thì dăm con gà, người chục cân rau. Có mấy chị cùng cơ quan nhờ mua nguyên một con lợn để chia nhau nên mình phải ghi hết lại nhờ bố mẹ gom giúp”.

Chị Hằng, hàng xóm của chị Thủy, cho biết: “Mỗi năm tết đến giá cả thường tăng cao, chưa kể những ngày giáp tết mua thực phẩm cho tươi thì bị ép giá. Nhờ gia đình chị Thủy ở quê mua giúp, đã đặt tiền rồi nên có khi tận ngày 28, 29 âm lịch mới gửi xuống hoặc mấy gia đình đánh một chuyến xe lên chở tất cả về. Ăn tết ngon lành, rẻ được đáng kể mà lại vui”.

Cũng như chị Thủy, năm nay “đơn hàng” của chị Nguyễn Thị Dương ở Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội chồng chất. Họ hàng bên nội, hàng xóm, đồng nghiệp biết chị quê Hà Giang và có xe chuyển hàng xuống Hà Nội hàng tuần nên đã nhờ chị thu gom đủ thứ, từ hàng khô như mộc nhĩ, nấm hương, măng khô đến đủ thứ đặc sản núi rừng khác.

Chị Dương cho hay: “Giá cả có sự chênh lệch đáng kể nên dù phải trả thêm phí vận chuyển mọi người vẫn nhờ rất nhiều. Một kg măng khô ở Hà Giang và ở Hà Nội chênh nhau gần 20.000đ. Đó là chưa kể tết năm nay mọi người nhờ mua thịt trâu khô, thịt lợn rừng, lợn mán rất nhiều. Có nhà nhờ mua cả một con nên tôi đã phải nhờ người nhà trên Hà Giang đến tận chuồng đặt cọc tiền, tầm độ 25 đến 28 tết là chuyển xuống”.

Càng gần tết, điện thoại của chị Lê Hương Giang, nhân viên Công ty May 40 réo liên tục. Quê chị Giang ở Thái Nguyên nên năm nào tết đến chị cũng là người lo mua chè uống tết và biếu cho chị em cùng cơ quan.





Chị Giang than: “Năm nay tết nhất tiền eo hẹp nên anh em lại càng nhờ mua nhiều chè Thái để làm quà. Mỗi cân chè uống được khoảng trên dưới 200.000đ. Loại đặc biệt thì 300.000đ được đóng hộp đẹp và lịch sự. Mua thêm hộp bánh hay chai rượu nữa là đi biếu tết nội ngoại, người thân hợp lý, vừa túi tiền”. Chị Giang cho biết, chị đã nhờ chuyển xuống hơn 100 kg chè mua hộ người thân.

Tự chế biến, săn hàng giảm giá

Cầm trên tay tờ quảng cáo của siêu thị, chị Thanh, nhân viên bưu điện Thanh Xuân, HN lo lắng: “Năm nào mình cũng phải sắm tết cho ông bà nội ở quê, rồi quà biếu ông bà ngoại và mấy chỗ nữa. Mỗi túi quà cũng đi đứt cả triệu bạc mà năm nay thu nhập quá thấp nên mình lo lắm. Gần tháng nay mình cứ để ý thông tin khuyến mại, giảm giá ở các siệu thị, hệ thống bán buôn, bán lẻ. Thấy có là đi mua về để một chỗ, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Mỗi năm tết nhà chị Thanh chi tiêu tiết kiệm cũng mất 10 triệu. Năm nay chị bảo dù hàng hóa tăng giá chị cũng chỉ chi cho tết 8 triệu bởi thu nhập thấp mà chi tiêu cả năm lại tốn kém hơn mọi năm.

Là người bán hàng tiêu dùng nhưng chị Nguyên, kiot hàng tại chợ Cầu Giấy quyết tâm tết năm nay sẽ tự chế biến các thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng tết để tiết kiệm.

Chị bảo: “Mọi năm bán hàng bận rộn nên tôi chủ yếu mua đồ chế biến sẵn, đắt một tý nhưng tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Năm nay hàng họ ế ẩm, cả năm kinh doanh khó khăn nên tôi sẽ tự chế biến tất, từ gói bánh trưng đến làm nem, gói giò và làm bánh bông lan cho bọn trẻ ăn. Rau củ quả tôi cũng nhờ cô hàng xóm ở Phúc Thọ mua chung hộ cả xe cho rẻ”.

Chị Nguyên tính, mua một chiếc bánh chưng tết giá khoảng 50.000đ loại ngon, trong khi mua gạo, đỗ và thịt về gói vừa ngon lại chỉ khoảng trên 30.000/cái. Tương tự như vậy, chị mua 100.000đ một gói nem cuộn sẵn thì khi tự chế biến chỉ mất chừng 60.000đ mà lại yên tâm bởi nguyên liệu tươi do tự tay mình mua và chế biến.

Đã thành thói quen, buổi trưa các nhân viên của công ty TNHH Hùng Anh lại quây tụ để chia sẻ thông tin về hàng hóa cho tết, chia nhau săn hàng khuyến mại, giảm giá và rủ nhau mua chung.

Chị Thảo Ly, kế toán công ty phấn khởi: “Bọn mình vừa “đánh úp” một đợt xả hàng của công ty may Huy Hoàng, cả đồ người lớn trẻ em giảm giá tới 40%. Hiện giờ bọn mình đang tiếp tục “săn” hàng bánh kẹo có khuyến mại, thực phẩm do các công ty chuyên doanh cung cấp theo đơn hàng lớn có khuyến mại để mua chung như thịt nguội, xúc xích hay hàng khô”.

Chị Ly còn bật mí, mọi năm chị em ríu rít đi mau mỹ phẩm nhưng năm nay thắt chặt chi tiêu mà chưa tìm được chỗ nào mỹ phẩm có khuyến mại hay giảm giá. Mua sữa, đồ ăn nhanh cho trẻ em dịp tết hay đi lại, về quê cũng là ưu tiên của nhóm chị Ly.

Tính chuyện về quê ăn tết, chị Nguyễn Thị Lê, công ty TNHH NVT quyết định sẽ mang tiền mặt về quê sắm tết thay vì sắm ở Hà Nội mang về như moi năm. Chị đã gọi điện nhờ mẹ chồng mua hộ gà, đặt thịt lợn để gói bánh và chế biến đồ ăn cho cả nhà. Chị Lê chia sẻ: “Mọi năm mình mua đầy đủ từ Hà Nội nhưng rất đắt đỏ. Năm nay may quá nghỉ tết lâu nên quyết định tự chế biến, mua sắm ở quê hết cho rẻ và ngon”.

Song Linh

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2013

Cẩn thận khi mua bắp luộc

Chợ ngã ba Bầu (ở ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TP HCM) có hàng chục chiếc ôtô chở bắp sống mua tại rẫy về bán lại. Rất nhiều người bán dạo về đây lấy bắp về nấu lên rồi đi bán khắp thành phố. Mỗi trái bắp được bán với giá từ 1.400 đến 3.000 đồng, tùy từng loại và tùy vào chất lượng ngon hay không.
Bỏ vài muỗng hóa chất và một viên pin vào nồi luộc 200 trái bắp (ngô), chưa đến 2 giờ sau toàn bộ bắp sẽ chín, thơm, ngọt và để lâu mà không bị ôi thiu. "Công nghệ" này đang được phần lớn người bán bắp tại TP HCM áp dụng.
Bà Tám vừa nấu bắp bán, vừa bán bắp sống, cho biết, chợ ngã ba Bầu là nơi cung cấp bắp sống cho toàn thành phố. Chợ bắp lúc nào cũng tấp nập người ra vào. Bà nói với người mua bắp: "Đừng có dùng mấy thứ hóa chất mà nấu rồi có ngày bị công an 'hỏi thăm' đấy”. Ở khu vực này vừa rồi có một số chủ lò dùng hóa chất nấu bắp đi bán nên đã bị công an bắt, đến nay họ không hoạt động lại được nữa. 
Người phụ nữ này nói rằng nấu bắp không sử dụng hóa chất mất nhiều công sức và thời gian nhưng "cần phải có lương tâm của người làm nghề. Còn nếu không có lương tâm thì chỉ việc dùng hóa chất và dùng pin để nấu, bắp chín rất nhanh”.
Bà Tám hướng dẫn, để bắp nhanh chín, khi luộc, người ta cho một hai cục pin vào nấu chung và phải canh chừng, nếu để quá lửa bắp sẽ bị nhão. Luộc như thế, bán mới có lãi. Lý do là giá bắp tại chợ đầu mối đã 1.400 đến 3.000 đồng một trái, lại không còn tươi, để lâu ngày hạt đã khô cứng lại nên luộc bằng củi thông thường rất lâu và rất tốn nhiên liệu. Trong khi đó giá bắp luộc 2.500 đồng đến 5.000 đồng một trái.
luoc-bap-bang-hoa-chat-gif-1358565307_50
Một lò luộc bắp bằng hóa chất. Ảnh: Giadinh.net.vn
Bà Ba Ỏn ở Gò Vấp có thâm niên 14 năm nấu bắp đi bán nhưng đã bỏ nghề, chuyển sang nấu phở. Bà cũng khẳng định, hiện nay đa số những người luộc bắp đi bán đều luộc bằng hóa chất. Một số chủ lò còn sử dụng pin để nấu cho bắp nhanh chín. Công thức nấu là 200 trái bắp cho khoảng một ít hương bắp, 2-3 muỗng muối diêm và 2-3 muỗng đường ngọt, cộng một cục pin. Khi ra lò, nhìn bắp rất tươi, thơm ngon và ngọt, người ăn rất khó phát hiện có hóa chất. Nếu muốn bắp lâu ôi thiu, chỉ cần cho chất bảo quản vào thì bắp ngày hôm nay bán không hết, mang về luộc lại vẫn thơm ngon.
Cầm trái bắp mua với giá 10.000 đồng 5 trái, bà Ba Ỏn nhíu mày rồi lẳng lặng lảy một hạt cho vào miệng và lập tức nhả ra. Bà khẳng định, trái bắp này đã ngấm hóa chất vì có vị ngọt rất lạ và cùi rất mềm, nhất là mùi thơm của bắp đã không còn nữa.Những loại hóa chất, pin này được dân nấu bắp mua từ chợ Kim Biên. Có người hỏi mua hóa chất nấu bắp nhanh mềm lâu thiu, một người bán hàng tại chợ này chỉ vào gói bột màu trắng được xay nhuyễn, không nhãn mác, không ghi nơi sản xuất và hạn sử dụng. Giá loại hóa chất này 100.000 đồng một kg. Người bán giải thích "đây là muối diêm".
Loại đường dùng để nấu bắp có vị ngọt hơn đường bình thường rất nhiều, có giá từ 80.000 đến 90.000 đồng một kg. Khi luộc bắp chỉ cần cho vào nồi khoảng 3 muỗng đường này là bắp sẽ rất ngọt. Loại đường này không có nhãn mác, người bán giới thiệu xuất xứ từ Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. 
Theo Giadinh.net.vn

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Trang trí phòng bằng những loài cây hữu ích

Cây xương rồng, thiết mộc lan là hai trong những loài thực vật có thể mang lại không khí trong lành cho môi trường sống của người.
Cây xương rồng.
Cây xương rồng là loài thực vật mọng nước, chúng có nhiều dạng phát triển như thành cây lớn, thành bụi hoặc phủ sát mặt đất.
Không chỉ để làm cảnh, Xương rồng còn được sử dụng rộng rãi trong phong thủy. Theo quan niệm dân gian những loại cây gai góc có thể trừ tà. Xương rồng có rất nhiều gai nên nhiều người sử dụng chúng để xua đuổi tà ma và những điều không may mắn. Chúng còn được con người sử dụng với mục đích phong thủy theo hướng và địa hình. Xương rồng thường dùng như một loài cây dương tính, nên nhiều người đem trồng chúng vào hướng xấu, hay chỗ âm để chế ngự tính âm.


Cây hoa đã là một
Cây hoa đá được nhiều hộ dân trồng trong nhà hoặc văn phòng làm việc để lọc chất độc từ đồ nội thất.

Cây lô hội.
Cây lô hội, còn gọi là nha đam. Loại cây này ngoài việc quang hợp ra còn có một công dụng khác là lọc không khí. Cây có thể hấp thu mùi hóa chất từ đồ gỗ, mùi sơn.
Ngoài việc dùng làm cảnh, cây còn dùng chữa bệnh và làm đẹp nhờ vào gel của lá. Những vấn đề về da, thanh nhiệt cơ thể, giải độc, chống béo phì đều có thể ngăn ngừa bằng lá nha đam.

Lan đuôi hổ còn được gọi lan da hổ, lan vạn tuế. Không chỉ là cây nội thất đẹp, nó còn giúp làm sạch không khí và hấp thụ ánh sáng tốt.

Trang Nguyên (Ảnh: energy.news)

Thực phẩm thủ phạm gây ung thư

Dự phòng được, nhưng khó!
 

Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư, bên cạnh các yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư như hút thuốc, uống rượu, chế độ ăn ít rau quả, thừa đạm, thịt, mỡ động vật thì thức ăn có chứa chất bảo quản thực phẩm là một trong những nguyên nhân quan trọng để gây nên căn bệnh này (cũng như một số bệnh mãn tính nguy hiểm khác).
 


 
Gần 1 tấn lòng thối được ướp bằng một chất bột màu trắng dạng như muối hạt và bốc mùi thối rất khó chịu bị đội Quản lý thị trường số 11 (Hà Nội) và Đội 6 - Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 49 – Công an TP. Hà Nội) bắt giữ vào tháng 10/2012. Nếu “trót lọt”, số lòng thối này sẽ được sử dụng làm vỏ lạp sườn! (Ảnh: T.Nhung)

  Tuy nhiên, “đụng đâu bẩn đó”, “tràn lan thực phẩm chứa chất bảo quản hoặc chất cấm” có lẽ là những cụm từ phản ánh khá chính xác tình trạng thực phẩm hiện nay. Mặt hàng nào bị “sờ gáy” là đều phát hiện ra “vấn đề”.
 


"Những yếu tố nguy cơ không nói lên tất cả. Có một hay nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa rằng người đó chắc chắn sẽ mắc bệnh nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ tác động thường xuyên, nguy cơ mắc bệnh sẽ nhiều hơn.

Ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng với khoa học ngày nay, 1/3 có thể dự phòng được, 1/3 có thể chữa khỏi (ở giai đoạn sớm) và 1/3 có thể kéo dài cuộc sống (giai đoạn muộn)".

GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Phòng chống Ung thư Việt Nam.
Một loạt các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn liên tục được đưa trên mặt báo.
Có thể liệt kê: Mỡ thối, lòng thối được tẩy trắng; nho, lựu, táo Trung Quốc chứa chất diệt nấm vượt mức cho phép có thể gây vô sinh; bánh xốp Trung Quốc chứa kim loại nặng vượt quá mức cho phép; măng tươi được bảo quản bằng lưu huỳnh cả năm không hỏng; các loại thịt gia súc gia cầm chứa chất tăng trọng hoặc được nuôi bằng những loại thức ăn chứa chất cấm; …

Việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm được cơ quan chức năng thực hiện thường xuyên, nhưng dường như không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Từ thực tế đáng báo động này, nhiều người tiêu dùng hoang mang vì không biết đường nào để chọn được thực phẩm an toàn, bởi ngay cả thực phẩm trong siêu thị cũng không rõ nguồn gốc, còn thực phẩm được quảng cáo là “nhập khẩu” thì không biết có bị “đổi nhãn mác”, hô biến từ hàng kém chất lượng hay không.

Trước tình hình này, việc dự phòng bệnh ung thư bằng cách sử dụng thức ăn sạch sẽ, đảm bảo chất lượng trở nên không khả thi.

Khó “vạch mặt chỉ tên” tác nhân gây ung thư

Tuy là tác nhân quan trọng nhưng thực tế, để kết luận được thực phẩm bẩn đóng vai trò đến đâu trong quá trình gây bệnh ung thư thì không phải dễ, bởi ngoài những ca ngộ độc thấy rõ ngay được thì tác hại của thực phẩm bẩn là tích tụ chất độc lâu ngày trong cơ thể.
Đến khi phát hiện ra bệnh thì khó có thể nhận định được “thủ phạm” chính gây bệnh.

Do đó, nguyên nhân thực sự gây bệnh ung thư thường được người dân “rỉ tai” nhau phần lớn là do thức ăn độc hại, nhưng bác sỹ thì rất khó kết luận điều này.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Phòng chống Ung thư Việt Nam, có nhiều người mắc bệnh ung thư nhưng có thể không thấy yếu tố nguy cơ nào được biết đến.

Ngay cả một người bị mắc bệnh do nhiều yếu tố nguy cơ thì thông thường cũng rất khó biết yếu tố nguy cơ nào là chủ yếu gây ra bệnh ung thư.
Lối sống thiếu lành mạnh, kiến thức hạn chế
Do 80% nguyên nhân gây bệnh ung thư là do môi trường bên ngoài nên PGS.TS Trần Văn Thuấn, cách phòng tránh ung thư hiệu quả nhất là tạo dựng lối sống lành mạnh.
Lối sống lành mạnh là không hút thuốc lá, uống rượu, hạn chế sử dụng thực phẩm có nhiều mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn (có chất bảo quản thực vật), hạn chế ăn thịt và ăn nhiều rau của quả để tăng chất xơ, …

Ngoài ra, cần tạo dựng những thói quen tốt như khám sức khỏe định kỳ, quan hệ tình dục an toàn, tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng (gây ung thư da), bảo vệ bản thân khỏi môi trường ô nhiễm, …
 


Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Nhưng ở VN, có trên 56% nam giới sử dụng thuốc lá (Ảnh: N.A)

  Tuy nhiên, hiện nay, lối sống lành mạnh này không phải ai cũng thực hiện được. Chỉ riêng với thuốc lá, theo thống kê, đã có tới trên 56% nam giới Việt Nam sử dụng.
Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi – căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong hàng đầu. Thuốc lá còn gây ra một loạt các bệnh ung thư nguy hiểm khác nhưng dẫu biết như vậy song nhiều người vẫn không từ bỏ thói quen độc hại này.

Ngoài ra, tỷ lệ người Việt Nam sử dụng rượu bia cũng rất lớn (theo một tính toán mới công bố, mỗi năm người Việt Nam tiêu thụ 2,6 tỉ lít bia, đứng thứ 25 trên toàn thế giới).

Trong đó có nhiều trường hợp bị nghiện rượu, khiến nguy cơ xơ gan, ung thư gan tăng cao.
 


Thiếu kiến thức về sức khỏe và bệnh ung thư

Đó là chưa kể đến việc người dân có kiến thức rất hạn chế về sức khỏe nói chung và bệnh ung thư nói riêng.
Nhiều bác sỹ trực tiếp khám và điều trị bệnh ung thư tại bệnh viện K cho biết nhiều người dân khi đến khám bệnh, phát hiện bị ung thư, thì đều cho rằng bệnh này là bệnh lây, bệnh di truyền, vô phương cứu chữa, không được ăn uống (vì nghĩ ăn uống càng tốt thì tế bào ung thư càng có nguồn dinh dưỡng để phát triển, vv …)

“Đó là những kiến thức sai lầm. Nếu không ăn uống được, người bệnh không có đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật. Nhiều người bị ung thư thực quản còn phải mổ dạ dày để đặt ống xông bơm thức ăn”, bác sỹ Thuấn cho biết.



N.Anh

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Nịnh sếp bằng quà quê

Đặt sớm

Còn hơn 1 tháng nữa mới tới tết âm lịch, thế nhưng chị Nguyễn Hải Hà (178 Nguyễn Ngọc Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội) đã gọi điện về quê ở Điện Biên, nhờ bố mẹ tìm mua gạo tẻ, gạo nếp để làm quà tết này.

Chị Hà kể, các sếp được biếu nhiều cao lương mỹ vị rồi, mình tìm tới những đồ ăn đậm chất quê vừa làm mát lòng “sếp bà”, vừa giữ sức khỏe cho “sếp ông”. Hồi trước, mình mang biếu vợ sếp chục cân gạo nương ở quê, vợ sếp cứ tấm tắc khen mãi rồi hay kể với sếp. Mình biết, tết năm nay thể nào nhà sếp cũng nhờ mua ít gạo đặc sản trên đó để ăn. Vì vậy, mình đã nhờ bố mẹ, tìm mua sớm loại gạo ngon để biếu sếp. Chắc chắn sếp rất thích quà quê.

Quà quê biếu sếp cũng được nhiều người chú ý và tìm kiếm từ sớm. Năm nay, do sợ gà lậu, nhiều người không dám ăn gà. Tận dụng cơ hội đó, nhiều nhân viên đã chọn cách biếu quà sếp rất dân dã. Anh Trần Văn Thắng, hiện đang ở Hàm Tử Quan, Chương Dương, Hà Nội, làm việc trong một công ty về sản xuất thủy hải sản tiết lộ, tết năm nay, quà tặng sếp của anh là đôi gà Đông Tảo.

“Mình có người quen nuôi gà Đông Tảo ở Văn Giang, Hưng Yên nên đã gọi điện nhờ nuôi hộ hai đôi gà Đông Tảo để giáp tết lấy mang biếu sếp. Chế độ ăn của mấy con gà này sẽ khác những con gà cùng khu. Mình đề nghị gà nuôi hoàn toàn bằng gạo, thóc và ngô đồng thời được thả rông nhiều. Sếp là người sành ăn gà nên quà tết của mình sẽ làm sếp thích ngay”, anh Thắng hào hứng khoe.



Xu hướng tặng quà tết bằng các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dân dã đang được nhiều nhân viên văn phòng lựa chọn. Bởi giá cả phải chăng và còn tạo được sự độc đáo trong món quà của mình. Chị Trần Thị Loan, làm việc trong một công ty bất động sản cho hay, chị và một số người bạn đã đặt hàng gồm thịt, rau sạch tại một cửa hàng người quen, có uy tín lấy hàng từ Lạng Sơn mang về để làm quà biếu gia đình sếp.

Chất lượng đảm bảo


Tặng quà dân dã, mang đậm nét truyền thống quê hương theo nhiều người để thể hiện tình cảm gắn bó, thân thiết và lòng biết ơn đối với người đã giúp đỡ mình trong những năm qua. Anh Lại Văn Huế, kỹ sư xây dựng đang đau đầu để chọn quà biếu người đàn anh, đã giúp đỡ anh trong công việc. Anh Huế kể, dù không làm cùng, nhưng anh em chơi với nhau từ hồi còn sinh viên.

Mỗi khi thi công một công trình, tôi đều hỏi ý kiến của anh và được chỉ bảo tận tình. Nhà anh khá, không thiếu thứ gì nên tôi thấy rất khó để lựa chọn quà tết. Tôi đang tính chọn loại quà nào thật là dân dã, dễ sử dụng và là thứ anh thích.

Theo gợi ý của vợ mình, anh Huế đã lựa chọn được món quà đậm chất quê để tặng người anh em đồng môn. Đó là mấy cân cam đường canh. “Quê tôi trồng rất nhiều cam đường canh. Nhân tiện thế, tết này, tôi sẽ về nhà, hái ở vườn mấy cân cam mang lên biếu anh chị làm quà tết. Đồ quê bao giờ cũng ngon và đảm bảo. Cam tươi hái từ cây, không dùng chất bảo quản”, anh Huế nói.

Cũng theo chị Hà, tiêu chí đầu tiên trong chọn quà biếu sếp của chị là chất lượng đảm bảo, ngon. Vì thế, chị mới nhờ mua tại gốc và lựa chọn đồ ngon nhất. “Gạo Điện Biên ở Hà Nội cũng rất nhiều nhưng hay bị pha tạp và giảm chất lượng. Mua gạo của mấy gia đình trồng ở nương, rồi tự gặt, tự phơi. Sau đó mình mang thóc về xát gạo vừa tầm để gạo giữ được vị đậm đà và đảm bảo dinh dưỡng”, chị Hà cho hay.




Cầu kỳ hơn, anh Nguyễn Tuấn Hiệu, cán bộ của một phường ở Hà Nội còn về tận trang trại nuôi lợn rừng ở Nho Quan, Ninh Bình lựa chọn con lợn ngon, đánh dấu để một tháng nữa mang về Thủ đô biếu sếp.

Anh Hiệu tâm sự: “Nghe người quen giới thiệu, trang trại đó nuôi lợn chất lượng tốt, mình đã về kiểm tra và ăn thử lợn thấy chất lượng cũng được, điều kiện chăn nuôi ổn để có lợn rừng ngon. Ở đây, lợn chủ yếu ăn rau rừng, ăn sắn, gạo và chạy rông trong khu rừng diện tích khoảng 20ha. Mình đã chấm hai con lợn được chừng 5kg/con. Trong một tháng nữa, lợn sẽ được khoảng 6kg, biếu sếp ăn là ngon rồi. Đồ ăn vừa đảm bảo, vừa thể hiện tấm lòng của mình. Chắc chắn sếp sẽ khoái món ăn này”.

Châu Giang