Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Nữ sinh Hà Nội sớm quan hệ tình dục

Ai cũng biết, chỉ phụ huynh là không biết
Mới đây, trong một cuộc hội thảo toàn quốc về tình dục và sức khỏe sinh sản do Trường ĐH Y tế công cộng tổ chức tại Hà Nội, kết quả đã cho thấy có nhiều thay đổi trong quan niệm, hành vi, tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở Việt Nam.

Đặc biệt, trong báo cáo kết quả thăm khám lâm sàng thực tế và khảo sát trên các trẻ vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn tại một số bệnh viện phụ sản còn cho thấy có những trường hợp có quan hệ tình dục (tự nguyện) khi mới 10-12 tuổi.

Đây là một thông tin khá sốc đối với nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, khi vấn đề được đưa ra để trao đổi với một số học sinh trung học trên địa bàn Hà Nội thì vấn đề này lại là vấn đề được các em coi là hết sức... bình thường! 




Chỉ nên lo sợ khi trẻ không biết, không hiểu và hiểu sai về tình dục. (Ảnh minh họa. Nguồn Dân trí)

N.H.M (học sinh lớp 11 đang sinh sống tại quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết: “Nhóm của em có 5 người thì cả 5 người đều đã có bạn trai. Có những bạn còn có người yêu từ cách đây 2, 3 năm và cho đến bây giờ đã thay đến 3, 4 đời người yêu".

“Mà đã là người yêu của nhau rồi thì đi chơi rồi vào nhà nghỉ với nhau là chuyện hết sức bình thường! Trong số các bạn học sinh trong lớp có người yêu mà em được biết, thì có tới 70% là đã có quan hệ tình dục” - N.H.M nói thêm.

Theo N.H.M, con số trên tuy chưa phải là con số chính xác, và cũng không thể khẳng định được là đúng với tất cả mọi trường hợp, vì nhiều bạn còn giấu kín chuyện riêng tư. Nhưng “chuyện nhiều học sinh đã biết đến quan hệ tình dục ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là chuyện có thật mà tất cả mọi học sinh đều biết, chỉ có phụ huynh là không biết” - N.H.M nói.

Đ.T.H (học sinh lớp 12 ở một trường dân lập cũng thuộc quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) cũng cho rằng, ở lớp, hầu hết các bạn đều đã biết đến chuyện hẹn hò, cho nên những câu chuyện về yêu đương, “chuyện phòng the” được các bạn nam sinh, nữ sinh mang ra để bàn tán một cách rất sôi nổi.

“Nhiều bạn nam còn tải cả “phim tình cảm” vào điện thoại rồi mang đến lớp cho mọi người cùng xem mà không hề tỏ ra ngượng ngùng” - Đ.T.H kể.

Tránh thai chủ yếu bằng thuốc khẩn cấp

Trong cuộc nói chuyện tâm sự với một số em học sinh PTTH, điều khiến người viết giật mình hơn cả đó là, trong số 3 em học sinh tiết lộ đã có quan hệ tình dục với bạn trai thì có tới 2 em cho rằng, để không có hậu quả (mang thai - PV) thì phương pháp tránh thai tiện nhất mà các em muốn dùng sau khi quan hệ tình dục với bạn trai đó là thuốc tránh thai khẩn cấp.

Em N.T.H.Y (16 tuổi - Hoàng Mai - Hà Nội) nói: “Qua sách, báo, em có biết đến một số các phương pháp tránh thai. Tuy nhiên, khi đi với bạn trai, “chuyện ấy” thường phát sinh bất ngờ nên bọn em không thể có sự chuẩn bị. Bọn em cũng không thể lúc nào cũng mang theo BCS trong cặp, vì sợ bố mẹ phát hiện. Thế cho nên, trong trường hợp đó thì viên khẩn cấp là lựa chọn tốt nhất”.

Em N.T.H.Y cũng cho rằng, chính vì thường xuyên sử dụng phương pháp đó mà cho tới nay, em vẫn an toàn vì không bị bố mẹ phát hiện.

Tuy nhiên khi hỏi đến hậu quả của việc sử dụng thuốc thường xuyên thì cả 2 em học sinh đều lắc đầu và nói rằng: “không biết chính xác lắm”. 

Trẻ quan hệ sớm là do thiếu hiểu biết

Anh Nguyễn Hữu Tùng, chuyên viên tư vấn thuộc nhóm tư vấn thanh niên Hà Nội cho biết:

Nguyên nhân dẫn đến việc trẻ vị thành niên, thanh niên quan hệ tình dục sớm thì có rất nhiều. Ví dụ như: trẻ dậy thì sớm, tiếp xúc sớm với các va chạm về giới tính, phim ảnh, văn hóa phẩm yêu đương không phù hợp với lứa tuổi, sự khuyến khích từ nhóm bạn...

Nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là sự thiếu định hướng của gia đình và nhà trường. Cha mẹ Việt gần như lảng tránh các con khi nói về vấn đề giới tính, khi các con hỏi thì thường mắng át đi, hoặc trả lời lấp liếm. Chưa kể đến việc kiến thức về giới tính của nhiều vị phụ huynh cũng khá mù mờ hoặc không chính xác. Giáo dục giới tính cũng đã được đưa vào nhà trường, tuy nhiên vẫn còn chung chung và giáo điều. Các tiết dạy về giới tính cũng bị cắt xén, coi là một môn phụ hoặc chỉ được giảng dạy một cách chung chung. Cho nên, học sinh cũng ngần ngại khi nêu ra thắc mắc của mình về giới tính.

Trong khi đó, việc trẻ có quan hệ sớm thực sự là vấn đề rất đáng lo ngại, vì khi trẻ chưa thực sự trưởng thành về thể chất và tinh thần, không có sự chuẩn bị kỹ càng thì sẽ dẫn đến các hậu quả xấu như ảnh hưởng tới sự phát triển của cơ thể và cơ quan sinh sản, vô sinh hay rối loạn chức năng tình dục, dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và có thai ngoài ý muốn.

Thế cho nên, “chúng ta không nên sợ khi trẻ biết về tình dục, chỉ nên lo sợ khi trẻ không biết, không hiểu và hiểu sai về tình dục mà thôi” - anh Tùng nói thêm.

Minh Minh

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Thương lái Trung Quốc thu mua, tận diệt cây kim cương

Gần đây, hàng trăm người dân xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông và các xã Măng Cành, Măng Bút, Hiếu, huyện Kon Plông - Kon Tum đổ xô lên rừng tìm bứt cây kim cương về bán cho các thương lái Trung Quốc.

Cây kim cương có tên khoa học là Anoectochilus spp, là loài thực vật quý hiếm thuộc nhóm IA, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Thân cây bò ôm phủ trên những phiến đá hoặc những nơi có lớp đất mùn dày trên các ngọn núi cao. Lá cây óng ánh như kim cương nên người dân quen gọi là cây lá nhung, lan kim tuyến, lan gấm…

Cạn kiệt

Chúng tôi theo anh A Phong ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông vào núi Ngọc Linh để tìm cây kim cương. Từ xã Ngọc Lây, mất gần nửa ngày vượt rừng, lội suối, vừa đi vừa chạy vì sợ vắt đốt, chúng tôi cũng đã đến được lưng chừng núi Ngọc Linh cao chót vót, nơi còn sót lại rất ít cây kim cương. Sau hơn nửa giờ chui rúc dưới tán cây rừng, chúng tôi phát hiện 8 cây kim cương mọc bên gốc một cây cổ thụ. Anh A Phong nhẹ nhàng nhổ các cây kim cương cho vào túi rồi tiếp tục mở rộng khu vực tìm kiếm. Sau một ngày lục lọi khắp các khu rừng Ngọc Linh, anh A Phong tìm được tổng cộng 38 cây kim cương.


Anh A Phong tìm kiếm cây kim cương trên lưng chừng núi Ngọc Linh

Anh A Phong cho biết: Không hiểu sao thời gian gần đây, thương lái tới tận làng hỏi mua cây kim cương với giá rất cao. Nhiều người đã bỏ việc nương rẫy lên rừng tìm cây kim cương. Năm ngoái, trung bình mỗi ngày anh tìm được 1 kg cây tươi, bán cho các thương lái được 500.000 đồng. Năm nay, giá 1 kg cây tươi lên đến 1 triệu đồng nhưng rất khan hiếm. “Vừa rồi tôi và mấy người cùng xã phải lên tận đỉnh núi Ngọc Linh tìm mất 3 ngày nhưng chỉ được hơn 2 kg” - anh A Phong cho biết.

Rời Tu Mơ Rông, chúng tôi về xã Hiếu, huyện Kon Plông, nơi có rất nhiều người thường xuyên vào rừng tìm cây kim cương. Ông Đinh Xuân Rường, trưởng thôn Vigơlơng, xã Hiếu, cho biết: Chính quyền xã, huyện cũng nhắc nhở không cho người dân vào rừng lấy cây kim cương nhưng loài cây này đã cho người dân nơi đây nguồn thu nhập đáng kể, vì thế không ngăn được họ. Trong thôn hiện có 96 hộ dân, từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, tất cả lại kéo nhau vào rừng tìm cây kim cương.

Có bao nhiêu mua bấy nhiêu

Khoảng 4 năm lại đây, cứ vào dịp từ tháng 9 đến tháng 11, nhiều người dân ở huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông lại đổ xô lên rừng tìm cây kim cương. Dù chưa ai biết giá trị thực sự của loại cây này nhưng với việc thương lái vào tận nhà, hỏi mua giá cao đã khiến hàng trăm hộ gia đình không quản nguy hiểm vào tận rừng sâu săn tìm, khiến cho loài thực vật quý hiếm này đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt. Không chỉ vậy, loài cây này thường sống ở những khu vực rừng nguyên sinh, rất nhiều rắn độc, thời điểm lấy cây kim cương lại thường xảy ra lũ quét nên rất nguy hiểm. Năm 2010, hai chị em Y Linh và Y Liang, ở xã Măng Cành, huyện Kon Plông, vào rừng tìm cây kim cương đã bị lũ cuốn trôi.

Chị Nguyễn Thị Tâm, chủ cửa hàng tạp hóa ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, cho biết: “Vài năm gần đây, rất nhiều người ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam lên đây hỏi mua cây kim cương. Tôi hỏi mua để làm gì, họ nói không biết vì họ mua về bán lại cho các thương lái Trung Quốc. Nghe đâu bên Trung Quốc mua về làm thuốc chữa bệnh ung thư. Không biết lá kim cương có công hiệu như thế nào nhưng bán bao nhiêu người ta cũng mua”.

Bà Nguyễn Thị Thu Diễm, ngụ xã Pờ Ê, Kon Plông, một người buôn bán cây kim cương chuyên nghiệp nói: “Đối với loại kim cương mọc trên đất sẽ thu mua với giá từ 1 triệu - 1,2 triệu đồng/kg cây tươi; còn kim cương mọc trên đá, giá chỉ 250.000 đồng/kg.
Mỗi ngày mua được vài chục ký. Mình thu được bao nhiêu các thương lái người Trung Quốc và Đài Loan đến mua hết. Không chỉ bán cây kim cương tươi, tôi còn sấy khô để gửi đi Trung Quốc, Hàn Quốc bán với giá 100-120 triệu đồng/kg”.

Nghiêm cấm khai thác
Tại hội nghị toàn quốc ngành kiểm lâm vào ngày 23-11 vừa qua, Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đã có chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên tăng cường kiểm tra, giám sát và ngăn chặn tình trạng người dân khai thác cây kim cương ở khu vực này. Đồng thời, các địa phương khác có loài cây này cũng tăng cường vào cuộc bảo vệ. Cây kim cương là thực vật nguy cấp quý hiếm thuộc nhóm IA, vì vậy nghiêm cấm việc khai thác vì mục đích thương mại. “Việc khai thác theo kiểu hủy diệt sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, làm suy giảm nguồn gien. Bộ NN-PTNT đang cùng các địa phương có biện pháp bảo vệ và tuyên truyền bà con nhận biết rõ giá trị để cùng bảo tồn” - một vị lãnh đạo nhấn mạnh.
B.Trân

Cao Nguyên

Người lao động

Thú vui trồng rau tại nhà

Trước nguy cơ ngộ độc rau nhiễm hóa chất, nhiều bà nội trợ ở TP.HCM đang muốn tự cung tự cấp rau sạch cho gia đình. Cũng từ nhu cầu đó, dịch vụ cung ứng vật tư, tư vấn canh tác rau tại các nhà phố xuất hiện ngày một nhiều.

Chỉ cần khéo tận dụng khoảng trống trong nhà như sân thượng, ban công, mái hiên... các bà nội trợ đã có những vườn rau xanh ngay tại nhà.

Chị Hồng (quận Bình Thạnh) quyết định tận dụng khoảng trống trước hiên nhà đặt vào mấy thùng xốp, vài cái rổ nhựa và mua hạt giống xà lách, rau muống,... về tự trồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần thử không mấy thành công vì kỹ thuật hạn chế cũng như thiếu vật tư chuyên dụng, chị phải tìm đến với các nhà tư vấn và cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.

Theo tính toán của chị Hồng, chi phí đầu tư trồng rau sạch tại nhà hiện chỉ khoảng từ 30.000 - 100.000 đồng. Ví dụ, cứ hai khay (khoảng 25.000 đồng một khay) cần 30 gram hạt giống rau mầm (giá 5.000-10.000 đồng) và 2 kg đất trồng giá thể Ginut, mỗi kg khoảng 10.000 đồng. Trong khi đó, các công ty cung cấp dịch vụ sẽ tư vấn, lắp đặt miễn phí.



Ông Nguyễn Văn Thảo, chuyên tư vấn về trồng rau tại gia, cho biết: “Hiện nay đang phổ biến hai hình thái canh tác rau tại nhà là thổ canh và thủy canh, tuy vậy người trồng rau vẫn còn thiếu thông tin hướng dẫn thực hiện cụ thể cũng như tìm kiếm vật tư chuyên dùng còn khó khăn. Việc các doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng quy trình cho từng đối tượng rau, chọn lọc phù hợp với điều kiện trồng tại nhà là điều cần thiết cho nhu cầu hiện nay của người dân đô thị”.

Chị Hải Yến (quận Gò Vấp) cho biết, từ khi chị sinh em bé, do không yên tâm với các loại rau bán ngoài chợ nên chị tìm hiểu tìm và sử dụng dịch vụ chuyên về tư vấn thiết kế và cung ứng vật tư, đất sạch để trồng rau tại nhà. Từ chỗ chỉ trồng vài khay thử nghiệm, đến nay chị đã tận dụng tất cả khoảng trống trong nhà như các chậu cảnh, hàng hiên nhà để trồng các loại rau khác như mồng tơi, rau muống, cải...

Bà Nguyễn Thị Đào, giám đốc một DN cung cấp và tư vấn trồng rau tai gia, cho biết, để tiết kiệm diện tích, có thể kết hợp trồng thành từng cụm hoặc phân thành tầng. Chẳng hạn, có thể đóng nhiều kệ nhỏ có độ cao khác nhau và trồng rau theo nhóm. Cây ăn trái như cà chua, ớt, chanh… trồng tầng trên cùng; tầng kế tiếp có thể trồng rau dền, mồng tơi, rau muống…; tầng cuối trồng rau mầm trong chậu nhỏ hoặc các loại dây leo như dưa leo, khổ qua. Mỗi tầng nên cách nhau 15-20 cm trở lên. Hiện tại với nhu cầu về an toàn thì người dân đã sử dụng dịch vụ này nhiều hơn.




Sau khi trồng khoảng 5-7 ngày là có thể thu hoạch được từ 400 đến 450 gram rau sạch cho bữa ăn của gia đình. Thông tin từ các doanh nghiệp, khi thu hoạch xong, đất còn lại có thể tái sử dụng trồng rau mầm mới hoặc bổ sung phân bón hữu cơ để trồng các loại cây khác, rất tiện và tiết kiệm. Ưu điểm của công nghệ này là đất trồng rau xanh truyền thống sẽ được thay thế bằng đất trồng cây Multi kiểu mới có nguồn dinh dưỡng hữu cơ lâu dài, không chất độc, vi sinh vật gây hại, không dùng phân và thuốc trừ sâu hóa học, nên cho ra sản phẩm rau sạch và an toàn.

Bám theo nhu cầu đó của đa số người dân đô thị, các công ty cung ứng dịch vụ về vật tư, đất trồng và tư vấn lắp đặt và kỹ thuật trồng cũng bắt đầu hoạt động và trở thành một ngành kinh doanh khá sôi động. Các DN này đã bắt đầu thực hiện cung ứng dịch vụ tự trồng rau sạch tại nhà cho. Đây là loại hình dịch vụ cung cấp cho khách hàng những tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật gieo trồng rau sạch và cung cấp các loại vật tư, dụng cụ, đất trồng, phân và hạt giống để khách hàng có thể tự trồng rau sạch tại nhà, kể cả nhà chỉ có diện tích sân nhỏ trong đô thị.

Hiện sản phẩm đất trồng cây do các công ty này cung cấp khá đa dạng như đất trồng cây Multi dành cho rau ăn lá; rau ăn quả và hoa (khoảng 10.000 đồng một kg) và giá thể Ginut chuyên trồng rau mầm (với giá thành dao động 10.000 - 12.000 đồng một kg).

Một số người già hưu trí, thay vì trước kia chỉ trồng cây cảnh để làm thú vui thì giờ đây thêm một niềm vui mới là chăm sóc những khay rau xanh tại nhà. Vì nghỉ hưu hơn 2 năm nay, ông Hùng (Quận Gò Vấp) suốt ngày loanh quanh trong nhà chăm sóc những chậu cảnh rồi lại không biết làm gì, nên rất chán. Sau khi sử dụng dịch vụ lắp đặt công cụ trồng rau tại nhà, ông đã thấy hứng thú hơn vì vừa được giải trí vừa thu hoạch được sản phẩm.

Nam Phong

Niềm đam mê của Yan Can Cook với món ăn Việt

Vua đầu bếp ngất ngây với miến lươn, dê om mẻ Ninh Bình, cá chẽm sốt chanh dây ở Hạ Long. Ông tự học cách nấu và thưởng thức chúng ngon lành.

vfbfd
Để thực hiện 26 tập phim "Khám phá Việt Nam cùng Martin Yan", đầu bếp nổi tiếng đã đi dọc khắp đất nước Việt Nam để tìm hiểu và học hỏi cách nấu các món ăn đặc trưng của từng vùng miền. Trong ảnh: ông thích thú khi thử trái dừa nước ở Quảng Nam.
Để thực hiện 26 tập phim
Yan nấu ăn ngay giữa vườn rau Trà Quế của xứ Quảng.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
hgf
Ông có thể làm món bánh xèo miền Trung với khẩu vị đặc sệt xứ Quảng.
hgf
Một món ăn đặc sản của làng rau Trà Quế sau khi được Yan Can Cook cùng các đầu bếp Việt hoàn thành.
gf
Rời Quảng Nam, ông đến với Ninh Bình. Tại đây, ông giao lưu với các đầu bếp địa phương để học cách chế biến món dê om mẻ.
fgdg
Đặc sản dê om mẻ sau khi hoàn thành.
gfd
Món miến lươn Ninh Bình cũng quyến rũ vị đầu bếp nổi danh.
hg
Đặc sản lươn nướng lá lốt của Ninh Bình.
jh
Sau khi nấu xong. Martin Yan không chần chừ để thưởng thức món ăn ngon, bổ.
jhg
Ông ăn một cách ngon lành.
vcbvc
Martin Yan đến Hạ Long và học nấu ăn trên du thuyền Âu Cơ.
bvc
Ông vừa hoàn thành món nem cua bể, đặc sản của Vịnh Hạ Long. Tập đầu tiên của loạt chương trình truyền hình thực tế về hành trình khám phá văn hóa, ẩm thực của Martin Yan ở Việt Nam sẽ phát sóng vào 20h ngày 4/1/2013 trên các kênh truyền hình trong nước.
 
Chi Mai
Ảnh: T.T.

Cảnh giác coi chừng trúng thuốc thôi miên “Hơi thở của quỷ”

Bẫy người”

Gần đây, nhiều phụ nữ ở Columbia trình báo với cơ quan cảnh sát địa phương rằng họ bị bỏ “bùa”, bị điều khiển làm những việc như đưa hết tiền bạc hoặc thậm chí bị hãm hiếp. Điều làm người ta khó tin nhất là phương pháp gây án của những nghi phạm hết sức xảo quyệt. Thậm chí gia đình những người bị hại cũng không biết người thân của mình bị xâm hại. Những người bị hại có độ tuổi từ 8 đến 60 tuổi, đặc biệt có cả người bị tâm thần và một phụ nữ có thai. Rất nhiều nạn nhân không thể nhớ được mình có bị hãm hiếp hay không, lừa tiền như thế nào vì họ bị “bỏ bùa” và hoàn toàn không biết gì. Chỉ đến khi tỉnh dậy, thấy cơ thể đau đớn và quần áo rách nát, tiền thì bị mất hết, họ mới biết chuyện không may đã xảy ra với mình.

Khi cảnh sát vào cuộc điều tra đã phát hiện đây không phải bùa mê thuốc lú, mà chính là tác hại của loại cây Borrachero có nguồn gốc từ chính xứ sở Columbia. Theo lời một số nạn nhân, bọn gian thường xuất hiện ở Costco, hoặc ngay tại nhà thờ. Cách thức “lừa” thường hỏi thăm cách thức trao tặng tiền bạc cho các hội từ thiện. Thường khi nghe những tin “lành” như thế, giới phụ nữ sẵn sàng giúp đỡ tận tình. Và kết quả là nạn nhân bị mê đi, bị đưa về nhà, lấy hết tiền bạc và nữ trang “tự nguyện” đưa cho hắn. Khi tỉnh thuốc thì sự việc đã quá muộn.

Trong đó cũng đã có 2 người phụ nữ gốc Việt, trú tại San Jose là nạn nhân của loại thuốc mê này. Họ bị mất tiền bạc, nữ trang một cách ngớ ngẩn.

Những vụ lừa đảo ở Việt Nam có phải bị thôi miên?

Tại Việt Nam, mấy năm gần đây cũng có rất nhiều nạn nhân trình báo cơ quan công an rằng họ đã bị thôi miên đến mức ngoan ngoãn tự mở tủ đưa hết tài sản trong tình trạng vô thức. Điển hình như vụ chiếm đoạt tài sản của ông Hồ Đức Phúc, 42 tuổi, trú tại thôn Đăk Hòa I, xã Đăk Hòa, huyện Đăk. Hôm đó, tại cửa hàng thu mua nông sản của ông, có hai người nước ngoài đi ô tô đến mua 2kg ca phê. Họ bằng nói tiếng Việt bập bõm. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền mua hàng, ông Phúc thấy đau đầu, chóng mặt cũng ngay lúc đó một kẻ đề nghị ông Phúc đổi tiền nước ngoài sang tiền Việt để dễ giao dịch.

Ông Phúc đồng ý mở két sắt lấy tiền và đưa tiền cho hai người trên nhưng không nhận lại tiền do hai khách đưa và không nhớ được loại tiền người nước ngoài định đổi là tiền nước nào, mệnh giá bao nhiêu. Khi giao dịch xong hai người đàn ông lên xe nhanh chóng bỏ đi. Ông Phúc vào nhà nghỉ vẫn cầm chìa khoá két sắt. Đến 17h cùng ngày, vợ ông Phúc kiểm tra lại, phát hiện bị mất 34 triệu đồng.

Anh Đỗ Văn Đông (cụm 5, xã Ngọc Tảo, Phúc Thọ) không khỏi tiếc nuối số tiền gần chục triệu đồng bị chiếm đoạt một cách dễ dàng. Được biết anh Đông đang chở hàng trên QL 32 thì một chiếc taxi chạy sát lại, trên xe có 3 người, cả tài xế lẫn khách đều là người nước ngoài. Một người da đen cao lớn mở cửa, chào hỏi, bắt tay anh bằng tiếng Việt rồi đưa tấm bản đồ hỏi đường đi Lào Cai. Anh Đông đã chỉ đường một cách tận tình. Người khách này lại hỏi thăm địa chỉ quán ăn gần đó rồi rút ra tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng, nhờ đổi lấy 2 tờ 50.000 đồng. Anh cũng không hiểu vì sao lại sẵn sàng lôi cả bọc tiền 20 triệu đồng ra đưa cho vị khách nước ngoài. Khi chiếc xe mất hút, anh Đông mới choàng tỉnh, vội kiểm tra bọc tiền thì đã bị lấy mất đi một nửa. 

Qua các vụ phạm tội trên cũng chưa có kết luận cuối cùng về khả năng đối tượng có thể dùng biện pháp thôi miên để trộm cắp tài sản hay không. Trong trên thực tế có rất nhiều vụ phạm tội mà đối tượng vì một cách nào đó đã khiến nạn nhân nghe theo mọi lời đề nghị để đưa tiền cho chúng. Hiện nay cũng có nhiều người bị mắc lừa với thủ đoạn như sau: các đối tượng thường vô tình gặp nạn nhân (thường là phụ nữ, những người già) rồi vờ nói ra bệnh tật hoặc một nhược điểm trên khuôn mặt của họ kiểu như bị mộng mắt, bị nám da… rồi mách thuốc chữa… Hoặc nhiều đối tượng còn đến các cửa hàng kinh doanh nói có mối hàng giá rẻ, rồi lòng vòng dùng các trò “ảo thuật”… Và không hiểu với các chiêu thức lừa tinh vi đánh vào tâm lý muốn chữa bệnh, đánh vào lòng tham của nạn nhân hay là dùng các biện pháp thôi miên mà nhiều người đã nghe theo sự dẫn dụ của đối tượng tháo tất tật đồ trang sức đeo trên người, thậm chí còn về tận nhà mở tủ đưa tiền cho chúng…



Hoa của cây Borrachero, loại cây dại mọc phổ biến ở Bogota, Colombia.



Loại thuốc đáng sợ nhất thế giới

Một cuốn phim tài liệu mới đây đưa ra tiết lộ về loại thuốc đáng sợ nhất thế giới, đó là loại thuốc mà bọn tội phạm thường dùng để xóa trí nhớ và làm mất ý thức tạm thời của nạn nhân. Loại thuốc có tên Scopolamine hay còn gọi là “Hơi thở của quỷ” có nguồn gốc từ cây Borrachero, loại cây dại mọc phổ biến ở Bogota, Colombia.

Hãng tin Reuters cho biết, nạn nhân rơi vào trạng thái vô thức và trở nên ngoan ngoãn nghe lời, về nhà lấy hết của cải hay đến ngân hàng rút sạch tiền để đưa cho những tên tội phạm. Đặc biệt, những người phụ nữ bị bỏ thuốc “Hơi thở của quỷ” trong nhiều ngày, bị hãm hiếp và bán vào nhà chứa.


Phóng viên Ryan Duffy của hãng tin VICE, đã trực tiếp đến Bogota (Colombia) làm một phóng sự mang tên “World’s scariest drugs” (Tạm dịch: Loại thuốc đáng sợ nhất thế giới). Đoạn phóng sự dài 25 phút của anh được đăng trải trên Youtube đã thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.

Tiến sỹ Stephen M.Pittel, nhà tâm lý học pháp y và cũng là người tiên phong nghiên cứu về văn hóa thuốc ở San Francisco có viết: “các báo cáo hàng ngày cho thấy nhiều vụ cưỡng hiếp, trộm cắp, bắt cóc… ở Mỹ và Canada có liên quan đến thuốc Burundanga, một dạng khác của Scopalamine vốn được sử dụng trong nhiều thập kỉ qua ở Columbia trong các nghi lễ bản địa. Thông thường, những tên tội phạm bí mật bỏ thuốc vào nước hoặc vẩy bột thuốc vào mặt của nạn nhân. Nạn nhân đưa toàn bộ trang sức, tiền, chìa khóa xe, thậm chí còn rút cả tiền ngân hàng để đưa cho chúng. Khi tỉnh lại họ mới nhận ra đã mất đồ và hoàn toàn không kẻ đó là ai”.

Đây chính là lý do tại sao những năm gần đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra cảnh báo đối với du khách, cẩn thận với “những tên tội phạm sử dụng thuốc vô hiệu hóa tạm thời khách du lịch”. Bộ Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Canada cũng đưa ra lời khuyên cho du khách đến các vùng nông thôn Colombia. Theo đó, du khách phải cẩn thận, tránh đến các quán bar một mình, cẩn thận với nước uống và đồ ăn nơi đây. Ngay cả trên website của Bộ Ngoại giao Colombia cũng có lời cảnh báo khách du lịch đến Colombia “cẩn thận với chất Scopolamine, thường được gọi là Burundanga khi chúng được hòa với sữa, nước, thuốc lá hay qua đường hô hấp”. Thuốc thường được những tên trộm và bắt cóc dùng trong các quán rượu địa phương.

Hơi thở của quỷ” giống với một loại hoa dại ở Đà Lạt?

Gần đây, nhiều nhà vườn Đà Lạt bỗng bất ngờ khi các giống hoa loa kèn mà họ vẫn thường xuyên chăm trồng từ trước đến nay lại được mang danh là “Hơi thở của quỷ”; với tên khoa học là “Araceae” hay “cây Chân bê”, là cây ưa nắng, mọc thành bụi và có thể gây ngộ độc nếu ăn phải, hoặc gây hại nếu dính vào mắt... Trong các loại loa kèn hiện đang phổ biến ở Đà Lạt, trừ các giống loa kèn đang trồng kinh tế trong các nhà vườn, loại hoa được cho là giống với Borrachero của Colombia là hoa loa kèn hoang dại mọc ở Đà Lạt. Đây là loại cây thân mềm, chiều cao thân cây tối đa khoảng 5m, hoa có chiều dài trung bình 25cm, mùi thơm nhẹ, lá có vị đắng và lợ, hình thức giống lá thuốc lá. Điều đặc biệt, tất cả các bông hoa khi nở đều cắm đầu xuống đất, y hệt Borrachero.

Trong cuốn sách “Cây cỏ Việt Nam” của tác giả Phạm Hoàng Hộ (quyển 2), xuất bản năm 2003 viết về cây hoa loa kèn Đà Lạt là cây Brugmansia suaveolens (Wild) như sau: Tiểu mộc, vạm vỡ, cao đến 4 - 5m; cành trăng trắng. Lá có phiến dạng như lá thuốc lá, to, dài 15 - 20cm, đáy bất xứng, đầu nhọn; cuống dài 2 - 3cm. Hoa thòng, trắng, to, dài đến 30cm; đài là ống suông có 5 răng, có lông; vành hình kèn; nhụy đực gắn trên ống vành và có bao phấn dính nhau; quả không gai; hột dẹp, to 1cm. Trồng nhiều ở Đà Lạt vì hoa đẹp, gốc Trung Mỹ. Lá chứa nhiều alcaloid, in vitro, chống siêu khuẩn measles.

So sánh cây Borrachero ở Colombia và cây người Đà Lạt thường gọi là hoa hoa kèn rất giống nhau. Tuy nhiên tên Borrachero có thể chỉ là tên gọi địa phương tại Colombia nên chưa dám khẳng định cây Borrochero ở Colombia và cây hoa loa kèn dại ở Đà Lạt có phải là một hay không. Tuy nhiên, các nhà sinh vật học đã khẳng định cây Borrochero ở Colombia và cây hoa loa kèn tại Đà Lạt là cùng thuộc họ Cà Solanaceae và cùng chi. Để có thể đưa ra một kết luận chính xác rất cần nhiều cuộc nghiên cứu cả trong và ngoài nước. 

Theo ANTĐ

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Đề phòng rau xanh mướt, quả chín mọng

Rau xanh và hoa quả rất tốt cho sức khỏe. Nhưng hiện tại không ít các loại rau và hoa quả có lượng hóa chất vượt mức cho phép nhiều lần, nếu sử dụng nhiều loại rau, hoa quả này thì vô tình lại rước bệnh vào người.

Rau xanh xanh mướt

Hiện tại đang vào mùa đỗ quả và các loại rau cải như cải bẹ, bắp cải, cải xanh, cải thảo, cải chíp... Đây là những loại rau mà nhiều người thích ăn. Nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, nên các loại đỗ, rau cải thường có nhiều sâu trong khi trồng, nên người trồng rau thường phun thuốc trừ sâu, phân đạm để diệt sâu. Nếu phun thuốc cho rau đúng liều quy định và phải sau mấy ngày phun thuốc mới được thu hoạch thì không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nhưng do nhiều người trồng rau vì hám lợi nên rau vừa phun thuốc hôm trước, thì hôm sau họ đã mang đi bán, chính họ cũng bị ngấm hóa chất. Còn người mua cứ thấy rau xanh mướt, bắt mắt là mua.

Dưa chuột cũng là một trong những loại rau được phun nhiều thuốc trừ sâu nhất. Nhìn những quả dưa chuột bóng mượt, xanh rờn trông rất bắt mắt bày trên các sạp hàng rau, nhiều người nội trợ đã bỏ tiền mua mà đâu có biết hóa chất vẫn còn dính trên đó. Hoặc hiện tại đang là mùa đông, nhưng khi đến các chợ dân sinh của Hà Nội, mọi người vẫn mua được những mớ rau muống xanh mơn mởn. Ngoài ra còn nhiều loại rau khác đều phải “đồng hành” cùng hóa chất để trông bắt mắt, dễ tiêu thụ.

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiến hành kiểm tra 50 mẫu rau ăn sống (xà lách, rau mùi, húng và rau diếp), thì có 29 mẫu rau (chiếm 58%) phát hiện có dư lượng hóa chất, 42% mẫu rau phát hiện có kim loại nặng vẫn trong giới hạn cho phép, nhưng nếu sử dụng loại rau này trong một thời gian dài sẽ bị nhiễm bệnh.

Trên thị trường còn rất nhiều loại rau của Trung Quốc trái mùa, như hoa lơ, rau bắp cải xanh cuốn khá chặt. Người bán hàng bảo đó là rau Đà Lạt, nhưng thực chất đó là của Trung Quốc để đến cả tuần vẫn xanh, tươi. Hoặc khoai tây của Trung Quốc đã được các thương lái nhập thẳng về Đà Lạt, rồi dùng đất đỏ bao thành một lớp áo bên ngoài củ rồi đặt tên cho nó là khoai tây Đà Lạt để đánh lừa người tiêu dùng và bán được lãi nhiều hơn. Đặc biệt, loại khoai tây này để vài tháng trời trong kho cũng không hỏng, điều này đồng nghĩa với việc khoa tây có hóa chất.



Nếu mọi người ăn phải các loại rau xanh như trên với dư lượng thuốc trừ sâu đọng lại quá nhiều thì rất dễ bị ngộ độc với các triệu chứng nôn mửa, chóng mặt, đau đầu và đi ngoài. Hiện tại, để mua được rau không có hóa chất tại các chợ quả là khó, nên nhiều gia đình đã phải ngâm rau trong nước muối, hoặc thuốc tím rồi rửa kỹ để giảm bớt hóa chất trong rau. Nhưng theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, khi rau, củ quả đã ngấm hóa chất thì việc sử dụng nước rửa rau quả, hay ngâm muối… chỉ loại bớt được một phần nào đó chất độc hại.

Giá đỗ, rau mầm và măng… đều có hóa chất

Giá đỗ là một loại rau khá nhiều chất dinh dưỡng, ngon và được sử dụng nhiều trong những món ăn hàng ngày và một số món đặc sản được ưa chuộng. Nếu giá đỗ bán ở các chợ trước đây thân thường gầy, màu trắng đục và nhiều rễ, thì mấy năm trở lại đây giá đỗ có thân mập, trắng hơn và gần như không có rễ. Mấy tháng trước đây, bất ngờ kiểm tra 50 mẫu giá đỗ sống tại nhiều chợ dân sinh, Cục Bảo vệ thực vật đã phát hiện có 40% mẫu giá đỗ chứa E.coli, Salmonella vượt mức giới hạn cho phép. E.coli, Salmonella là những vi khuẩn gây ra các bệnh về đường ruột.

Khi kiểm tra 530kg măng khô vừa thu giữ, cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện măng khô được sấy qua lưu huỳnh. Lượng lưu huỳnh trong măng khô đã vượt cả trăm lần tỷ lệ cho phép. Tại 2 cơ sở sấy măng ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, cơ quan chức năng đã thu giữ 118kg lưu huỳnh. Tiếp đó đã thu giữ 25 tấn măng tươi có ướp lưu huỳnh tại huyện Quan Sơn, Thanh Hóa. Măng khô hay măng tươi được xử lý bằng lưu huỳnh có thể để nhiều tháng không bị hỏng, mà còn tạo màu vàng đẹp, đồng thời có tác dụng ngăn chặn nấm mốc. Nếu lượng lưu huỳnh lớn, sử dụng ở nồng độ cao thì sẽ có thể gây tổn thương cho phổi, mắt hay các cơ quan khác, cản trở sự hô hấp, thậm chí gây nhiễm độc máu.

Hoa quả chín đẹp, tươi lâu…

Khi những người nội trợ chưa hết ngỡ ngàng về thông tin chuối tiêu xanh cắt cả buồng mang về rồi hòa một loại thuốc của Trung Quốc vào nước, sau đó phun đều lên buồng chuối rồi ủ kín, khoảng 2 ngày sau mở ra chuối đã chín vàng. Thì mấy ngày gần đây, mọi người lại càng sửng sốt bởi có thông tin các thương lái buôn đu đủ xanh về, rồi dùng hóa chất nhỏ trực tiếp lên phần cuống của từng quả đu đủ và bọc báo lại. Sau 1 ngày đu đủ đã chín vàng, trông bắt mắt, chúng được chở đến các chợ đầu mối của TP Hà Nội để bán.

Tương tự như vậy, hồng xiêm xanh hái trên cây xuống có màu đen, nhưng sau khi được nhuộm qua một chút nước bột màu vàng thì sẽ vàng đẹp, bóng bẩy, người mua cứ nhầm tưởng đó là hồng xiêm già. Nhưng họ đâu biết, bột màu vàng để nhuộm hồng xiêm đó là bột sắt, một loại màu công nghiệp được dùng để sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, cao su, mực in... Khi chất này tích lũy trong cơ thể người sẽ gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da và ung thư bàng quang.

Lâu nay, hoa quả Trung Quốc tràn ngập trên thị trường Hà Nội và các tỉnh. Hầu như các sạp hoa quả nào cũng có táo, nho, lê, dưa vàng, lựu… Người bán hàng bảo đó là hoa quả của Thái, New Zealand, Australia hoặc Mỹ… nhưng thực chất đó là hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc. Tháng 9/2012, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành kiểm tra, giám sát các lô hàng hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc về một số cửa khẩu như Lạng Sơn, Lào Cai đã phát hiện mẫu quả mận tươi có chứa dư lượng carbendazim và mẫu quả lựu có chứa hoạt chất tubeconazole cùng carbendazim. Bên cạnh đó còn có 2 mẫu nho tươi cũng có chứa dư lượng difenoconazole…

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, qua kiểm nghiệm đã phát hiện các mẫu hoa quả như mận, lựu, nho tươi đều có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép từ 1,5 đến 5 lần. Trong số hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc, thì nho tươi là mặt hàng có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất. Theo cơ quan chức năng, mặc dù các hóa chất có trong hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc không gây ung thư, nhưng nếu sử dụng nhiều thì sẽ bị ngộ độc, ảnh hưởng đến đường ruột, tiêu hóa và về lâu dài lượng hóa chất này tích tụ trong cơ thể mọi người, gây hỏng gan và thận.

Cũng theo khuyến cáo của Cục Bảo vệ thực vật, người tiêu dùng không nên sử dụng rau, hoa quả trái mùa, trông quá bóng mượt, màu sắc không tự nhiên để hạn chế hóa chất, nhất là những rau, hoa quả trái mùa. Hy vọng qua những thông tin trên, những người nội trợ thông thái hãy thận trọng khi chọn mua rau xanh, hoa quả để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người thân trong gia đình.

(Theo Petrotimes)