Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Thú chơi nấm kiểng

Nguyễn Trọng Hòa (26 tuổi, ở tỉnh Kon Tum) đang sở hữu một nông trại nấm rộng 2 ha và còn là người tạo nên những chậu kiểng nấm linh chi.
Nguyễn Trọng Hòa cùng sản phẩm linh chi kiểng của mình - Ảnh: D.K
Nguyễn Trọng Hòa cùng sản phẩm linh chi kiểng của mình - Ảnh: D.K
“Sau khi tốt nghiệp ngành vi sinh - sinh hóa Khoa Sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, mình về làm việc cho một cơ sở trồng nấm tại H.Củ Chi, TP.HCM. Cách đây 2 năm, khi lang thang trên internet, nhìn thấy chậu cây kiểng bằng nấm linh chi từ Đài Loan, mình bắt đầu làm thử và thành công”, Nguyễn Trọng Hòa kể.

Sau đó, Hòa trở về TP.Kon Tum mở nông trại nấm sạch. Bên cạnh làm nấm ăn, Hòa không quên trồng nấm linh chi kiểng. Nói về linh chi kiểng, Hòa cho biết ngoài ý nghĩa phong thủy, linh chi kiểng còn tượng trưng cho sự trường thọ (linh chi không bao giờ chết) và mang lại nhiều may mắn. Linh chi có khả năng hấp thụ tia tử ngoại từ màn hình vi tính. Màu đỏ tự nhiên của linh chi cùng cấu tạo lớp vỏ kitin glucan bóng láng như verni giúp vui mắt, làm đẹp cho góc nhà nơi đặt linh chi kiểng.
Linh chi kiểng - ảnh 2
Hòa cho biết thêm, tai nấm linh chi sau khi trưởng thành sẽ hóa gỗ, mặt trên có vân đồng tâm, mặt dưới phẳng, màu trắng hoặc vàng nên có thể trưng chậu kiểng linh chi (không cần tưới nước) trong thời gian dài, hoàn toàn không bị khô héo hay xuống màu. Ngoài ra, nấm linh chi không thu hút côn trùng, đảm bảo không khí trong nhà không bị ô nhiễm cũng là một ưu điểm nổi bật.

Tết năm nay, đã có 1.500 chậu kiểng linh chi được Hòa xuất bán, chủ yếu đưa hàng ra Hà Nội. “Một chậu linh chi kiểng mình bán với giá khá mềm, từ 70.000 - 150.000 đồng/chậu tùy loại nấm to, nhỏ, đầu tư tiểu tiết nhiều hay ít. Khách của mình bán ngoài thị trường đến vài trăm ngàn đồng/chậu, thậm chí giá bạc triệu đối với những tai nấm đẹp, bắt mắt người mua”, Trọng Hòa cho hay.

Để tăng thêm sự hấp dẫn, phù hợp nhiều đối tượng, Hòa còn sáng tạo việc khắc tên trên tai nấm hoặc ghi những câu thơ, những thông điệp ý nghĩa lên tai nấm để các bạn trẻ, các đôi lứa yêu nhau làm quà tặng cho nhau hay tặng gia đình, thầy cô…

Ngoài ra, Hòa còn nhận thiết kế những khu vườn nấm mi ni cho các hộ gia đình, hàng quán. Bình quân mỗi tháng, Hòa thu nhập vài chục triệu đồng từ nông trại nấm của mình cùng với việc bán linh chi kiểng.

“Niềm vui lớn là mình đã thành công trong việc nghiên cứu, trồng linh chi vào trong chậu từ nhỏ đến lớn thay vì bứng linh chi đã trưởng thành từ bên ngoài cho vào chậu. Mình đầu tư thêm các bức tượng nho nhỏ, xinh xinh vào chậu để linh chi lớn lên, bao lấy các tượng nhỏ này, trông rất đáng yêu. Muốn chậu linh chi kiểng bề thế, to hơn, mình tiến hành ghép nhiều cây chồng lên nhau. Nhờ thế, khi xuất bán, linh chi kiểng vẫn còn tươi, chưa hóa gỗ, giúp người mua cảm thấy vui hơn”, Hòa nói.

Trung bình sau 3 tháng, linh chi trưởng thành, khi linh chi kiểng được 2 tháng rưỡi thì Hòa cho xuất để người mua cảm nhận được sự tươi và độ trưởng thành của nấm. Hiện Hòa đang mở rộng thị trường, tìm kiếm đại lý ở các tỉnh thành để đưa linh chi kiểng đến với nhiều người sử dụng hơn.

Bên cạnh việc trồng, kinh doanh nấm ăn, linh chi kiểng, Hòa còn được nhiều người trồng nấm biết đến thông qua các video hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm trên mạng internet, tham gia các dự án chuyển giao công nghệ cải tiến năng suất nấm trồng tại một số tỉnh Nam bộ. Nghiên cứu chuyên sâu về nấm dược liệu... Mới đây, Hòa đã trồng thành công loại linh chi plus trên vùng đất Tây nguyên, hứa hẹn mang đến nguồn thu nhập cao bởi đây là loại nấm rất có giá trị.

“Nấm rất thân thiện với môi trường, là sản phẩm sạch, không độc hại, có thể trưng bày. Thay vì trưng bày sừng hươu, nai hay các vật khác từ động vật quý hiếm ngày càng cạn kiệt thì hãy trưng bày nấm linh chi với đủ hình dạng, từ linh chi sừng hươu cho đến các loại linh chi với các hình thù đáng yêu, độc đáo khác. Vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường sống”.

Thanh Đông
(ThanhNien)

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Hít thở sâu giúp sống lâu

Hít thở sâu cung cấp cho cơ thể lượng lớn oxy, mở rộng phổi và điều hòa tuần hoàn máu. Chúng ta thường không nhận ra những lợi ích sức khỏe khác nhau của hơi thở sâu. Nếu bạn gặp vấn đề trong kiềm chế tức giận, hít thở sâu có thể giúp. Vì vậy, hãy bắt đầu chú ý đến cách bạn hít thở. Hít thở sâu và sống lâu đi kèm với nhau. Dưới đây là những lợi ích sức khỏe của hơi thở sâu.

hittho-2356-1392798856.jpg
Ảnh: globul-art.com.
Giải độc tố

Một trong những lợi ích sức khỏe của hơi thở sâu là giải độc trong cơ thể. Một hơi thở sâu giúp giải phóng chất độc ra khỏi cơ thể, trong khi đó nếu bạn hít thở nông, các cơ quan khác phải làm thêm giờ để giải phóng độc tố.

Giảm căng thẳng

Bạn đã có một ngày làm việc căng thẳng? Có một vấn đề khiến bạn giận sôi người? Hít thở sâu giúp làm giảm sự căng thẳng và thư giãn cơ bắp. Hãy thử hít thở sâu trong khi làm việc.

Massage cơ quan bên trong

Chúng ta thường trả một khoản tiền để massage bên ngoài cơ thể mà không nhận ra rằng những cơ quan bên trong cũng cần được “nuông chiều”. Khi hít thở sâu, bạn có thể dễ dàng massage cơ quan bên trong cơ thể.  

Tăng cường sản xuất máu

Một hơi thở sâu có thể làm tăng cung cấp oxy cho cơ thể bạn, làm tăng hemoglobin trong máu. Tăng cường sản xuất máu sẽ giúp ích trong các hoạt động bình thường của cơ thể.

Có tư thế đúng

Ngày nay, nhiều người trong chúng ta đang bị mắc kẹt trên chiếc bàn làm việc. Chúng ta đều đã nghe những bài giảng về việc duy trì tư thế đúng mà không biết rằng hít thở sâu buộc chúng ta phải ngồi trong tư thế thích hợp.

Chống lại các vấn đề hô hấp

Hít thở sâu giúp bảo vệ cơ thể chống lại các vấn đề hô hấp. Thở sâu làm nở phổi và tăng cường hoạt động của phổi. Vì vậy, phổi trở nên khỏe mạnh và miễn dịch với bệnh tật.

Kiểm soát cân nặng

Có rất nhiều cách để quản lý chế độ ăn uống và tập thể dục giúp thân hình thon thả. Bạn có biết rằng hít thở sâu cũng giúp ích trong việc kiểm soát trọng lượng? Oxy tăng thêm khiến sự trao đổi chất nhanh hơn, dẫn đến tiêu hóa chất béo nhanh hơn.

Tăng cường hệ thần kinh

Hít thở sâu cũng có lợi cho hệ thần kinh. Thêm oxy sẽ nuôi dưỡng và tăng cường não, tủy sống và tất cả các dây thần kinh lan truyền khắp cơ thể.

Tập trung tốt hơn

Cuộc sống thường gây áp lực và chúng ta luôn tìm cách để thư giãn đầu óc. Hít thở sâu giúp bạn cảm thấy thư thái và dễ tập trung vào những công việc tiếp theo.

Tăng sức chịu đựng

Hít thở sâu còn làm tăng tỷ lệ trao đổi chất. Điều này có nghĩa rằng cơ thể của chúng ta sẽ có thể hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn, từ đó sản xuất nhiều năng lượng hơn và làm tăng sức chịu đựng của bạn trong tất cả hoạt động.
 
Năm 27 tuổi, Nguyễn Khắc Viện bị bệnh lao phổi nặng, phải nằm viện trong 10 năm, lên bàn mổ 6 lần. Lúc ra viện, sức thở của ông chỉ còn 1/3, dung tích sống chỉ có 1 lít. Hồ sơ bệnh lý ghi: "Thiếu thở trầm trọng, không được làm việc". Các bác sĩ cho rằng ông chỉ có thể sống thêm nhiều lắm là 3 năm.
Thế nhưng, nhờ tập thở bụng để tận dụng công suất của phổi (bằng cách tăng tối đa dung tích thở trong 1 giây), bác sĩ Viện đã sống vượt mức tiên đoán 19 lần. Trong thời gian đó, ông không ngừng làm việc. Phép thở này được ông gói gọn trong 1 bài thơ 12 câu, mỗi câu 4 chữ:  
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm, chậm, sâu, đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được.
Bài thơ là sự đúc kết cô đọng các nguyên tắc chính của kỹ thuật luyện thở:
- Động tác khởi đầu và là động tác quan trọng nhất là thở ra để xả hết khí bã. Sau đó, cần chủ động thở vào. Lượng khí hít vào và đẩy ra tương đương nhau.
- Thở tức là luyện nội công, tăng cường nội lực. Khi luyện thở, thân phải ngay ngắn, điều hòa, yên lặng; nhưng không được kênh cứng mà phải thả lỏng, thư giãn (điều thân).
- Êm chậm sâu đều là 4 tính chất của hơi thở, giúp ta thở đúng quy cách, hơi thở điều hòa (điều tức).
- Không nghĩ ngợi lan man, cần cắt đứt những liên lạc bên ngoài để giữ tâm được yên tĩnh (điều tâm). Nếu đạt được điều đó, hơi thở sẽ từ từ, sâu nhẹ, sự tập trung càng tăng mà không cần phải cố gắng. Đây là trạng thái thư giãn cao độ mà Phật giáo gọi là "nhập định".
- Việc luyện tập không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Theo bác sĩ Viện, đây là môn thuốc vạn năng giúp tiêu trừ bá bệnh. Nếu mỗi lần thở, cơ hoành chỉ hạ xuống thêm 2 cm là mỗi ngày ta được thêm 100 lít không khí, đồng thời cũng đẩy ra được ngần ấy khí đọng. Khi nào sực nhớ thì luyện, quên thì thôi. Cứ như vậy, lâu dần thành quen; lúc không chú ý, phổi vẫn tự động hô hấp ở mức sâu hơn trước.
Sức Khỏe & Đời Sống

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Panasonic sản xuất rau sạch

Đại gia điện tử Nhật Bản - Panasonic muốn người dân Singapore thưởng thức củ cải và rau diếp do chính hãng sản xuất.

Tuần trước, công ty con của hãng đã bắt đầu bán rau củ cho một chuỗi nhà hàng Nhật Bản ở Singapore. Các sản phẩm này được quảng cáo là trồng tại trang trại rau trong nhà đầu tiên được cấp phép ở đây.
 
Panasonic đang ngày càng tiến sâu trong lĩnh vực công nghệ trang trại khi Singapore muốn giảm phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu. "Chúng tôi đã dự đoán trước nông nghiệp là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển, khi đất canh tác trên toàn cầu giảm, khí hậu biến đổi và nhu cầu thực phẩm chất lượng cao, ổn định ngày một tăng lên", Hideki Baba - Giám đốc điều hành Panasonic Factory Solutions Asia Pacific cho biết trên Reuters.
panasonic-1-jpeg-2660-1407147374.jpg
Panasonic dùng đèn LED cho ánh sáng màu hồng tím để trồng rau. Ảnh: Reuters
Cơ sở của Panasonic có khả năng sản xuất 3,6 tấn lương thực hàng năm với 10 loại rau quả. Trang trại trong nhà cũng là mảng kinh doanh ưa thích của nhiều đại gia công nghệ Nhật Bản. Fujitsu đang trồng rau diếp tại các nhà máy ở Fukushima, trong khi Sharp trồng dâu tại Dubai.
Tại Singapore, trang trại 248m2 của Panasonic được đặt trong một nhà máy ở ngoại ô. Trong đó, thực vật được chiếu sáng bằng đèn LED màu hồng tím. Họ cũng hạn chế người vào thăm để kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và lượng CO2.
Panasonic-set-JPG-1710-1407147374.jpg
Các loại rau được trồng tron nhà máy của Panasonic ở ngoại ô Singapore. Ảnh: Awinsomelife
Panasonic lên kế hoạch trồng hơn 30 loại rau củ tại đây cho đến tháng 3/2017, cung cấp khoảng 5% nhu cầu tại Singapore. Họ cho biết những sản phẩm trồng tại đây sẽ có giá bằng nửa giá nhập từ Nhật Bản.
Theo Panasonic, Singapore là nơi lý tưởng cho các trang trại trong nhà, do quỹ đất hạn chế và khả năng tự cấp của nước này rất thấp. Singapore là quốc gia có mật độ dân số đông thứ nhì thế giới, theo số liệu của World Bank. Họ hiện nhập khẩu hơn 90% lương thực, thực phẩm.
Năm ngoái, Singapore sản xuất 22.000 tấn rau, chỉ nhỉnh hơn 5.000 tấn so với năm 2004. Trong khi đó, theo Cơ quan Nông lương nước này, họ nhập tới 514.000 tấn rau củ năm ngoái.
Chính phủ Singapore đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn lương thực, thực phẩm và độc lập hơn trong việc sản xuất trứng, cá và các loại rau ăn lá. Nước này đã hỗ trợ vốn và nghiên cứu cho Sky Greens - hãng chuyên trồng rau tại trang trại trong nhà kính. Một số nơi tại Singapore còn dùng phương pháp trồng cây trong nước. Tuy nhiên, những phương pháp hiện tại cho sản phẩm giá thành khá cao. Nhiều loại rau của Sky Greens được bán trong các siêu thị với giá hơn gấp đôi nhập từ Trung Quốc.
Hà Thu

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Du lịch chữa bệnh mỗi năm kiếm tỷ đô cho nước nhà?

Mỗi năm có khoảng 100.000 người nước ngoài sang Việt Nam chữa bệnh và doanh thu mang lại từ nguồn lợi này cho bệnh viện trong nước ước hơn 1 tỷ USD.

Từ khắp 5 châu
Khi hay tin Việt Nam đã ứng dụng kỹ thuật femtosecond laser hiện đại trên thế giới trong phẫu thuật khúc xạ, thông qua một người bạn ở TP. HCM, anh Carthay ở Áo đã khăn gói sang Việt Nam. Điểm đến là Bệnh viện Mắt TPHCM.
“Hơi bất ngờ vì lần đầu tiên có một bệnh nhân đến từ Áo đăng ký khám và phẫu thuật, bởi lâu nay nếu có người nước ngoài tới đây chữa trị, thường họ đến từ Đông Nam Á”, TS.BS Trần Hải Yến, Phó Giám đốc BV Mắt TP. HCM kể.
Carthay, 41 tuổi bị khúc xạ ở hai mắt 4 năm nay, anh đã trải qua 2 cuộc mổ ở một bệnh viện tại thủ đô Vienne nhưng không mang lại kết quả. Ca mổ bằng công nghệ mới ở BV Mắt TPHCM được thực hiện cho Carthay mất 2 giờ, sau đó bệnh nhân được xuất viện.
Bệnh nhân mãn nguyện vì không chỉ mắt sáng hẳn mà số tiền Carthay bỏ ra cho đợt phẫu thuật này chỉ hơn 1.000 USD, bằng 1/3 so với các bệnh viện bên Áo.
“Tôi cũng không ngờ nền y tế của Việt Nam đã tiến bộ vượt bậc như vậy”, bệnh nhân đặc biệt này tâm sự với bác sĩ và nói sẽ giới thiệu cho nhiều người ở Áo sang đây nếu họ bị bệnh.
“Người nước ngoài sang đây khám bệnh như cơm bữa”, bà Nguyễn Thị Lệ Thu- Giám đốc đối ngoại và tiếp thị, Bệnh viện FV ở TPHCM tự hào. 10 năm trước bệnh nhân nước ngoài chủ yếu là dân các nước ở Đông Nam Á nhưng nay theo bà Thu mấy năm nay có cả người châu Âu, một số khác đến từ châu Mỹ, châu Phi. Chỉ riêng người dân Campuchia, Lào hay Myanmar mỗi năm nơi đây tiếp nhận gần 20.000 lượt đến thăm khám và điều trị.
Shumells, 51 tuổi đến từ vùng ngoại ô TP Frankfurt của Đức bị căn bệnh u ở trực tràng. Ở Đức phẫu thuật u đại trực tràng vẫn tốt nhưng sau khi xem trên một tạp chí y khoa về kỹ thuật mổ nội soi ở Việt Nam, Shumells đã quyết định sang đây.
“Tôi thấy nhiều ca thành công bằng phương pháp phẫu thuật này được báo cáo nên tôi hy vọng bệnh các bác sĩ ở đây làm được cho tôi”- Shumells nói.
Giá cả của ca phẫu thuật này cũng quan trọng đối với Shumells. “Nó chưa bằng một nửa ở bên Đức và dịch vụ hậu phẫu nơi đây cũng tốt không thua kém ở quê tôi”, bệnh nhân này so sánh.
Ở BV Đại học Y dược TP. HCM luôn thường trực 15-20 người phiên dịch tiếng Campuchia và tiếng Anh. Đây được xem là nơi có số lượng người Campuchia sang điều trị bệnh lớn nhất ở nước ta với khoảng 18.000 người mỗi năm.
Trong đó, có khoảng 1.000 bệnh nhân đến từ các nước châu Âu, Úc, Á và Mỹ. PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Giám đốc BV ĐH Y Dược TPHCM cho biết, từ năm 2008 đến nay bệnh viện điều trị nội trú cho gần 6.000 bệnh nhân người nước ngoài, trong đó khá nhiều bệnh nhân đến từ Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Thụy sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha…
“Bệnh viện ngày càng ứng dụng nhiều kỹ thuật cao vào điều trị các bệnh lý khó nên thu hút được bệnh nhân nước ngoài. Họ đến khám và điều trị chủ yếu các bệnh tiêu hóa- gan mật bằng thủ thuật nội soi, số còn lại là điều trị các bệnh lý về thần kinh và xương khớp”, bác sĩ Bắc cho biết.
Còn tại BV Chợ Rẫy, nhiều bệnh nhân nước ngoài cũng được đội ngũ bác sĩ ở đây cứu sống ngoạn mục mà nhiều nước có nền y khoa tiên tiến có khi phải bó tay. “Nhiều bệnh nhân ở châu Âu hay châu Mỹ đến đây để điều trị các bệnh lý lồng ngực mạch máu hay thẩm mỹ”, TS Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy nói.
Tại hai Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương và Răng Hàm Mặt TPHCM mỗi năm cũng đón trên 2.000 bệnh nhân nước ngoài và Việt kiều sang chữa trị nha khoa hoặc thẩm mỹ răng. Các bác sĩ ở hai bệnh viện này cho biết, chất lượng và giá rẻ là lý do khiến bệnh nhân nước ngoài đến điều trị.

Sang Việt Nam “tìm con”
Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được xem là dẫn đầu trong các lĩnh vực y khoa thu hút người nước ngoài sang Việt Nam. GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, người đặt nền móng cho kỹ thuật này ở Việt Nam và hiện là Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM cho rằng mỗi năm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã giúp cho hơn 10.000 trẻ ra đời.
“Việt Nam đang thực hiện kỹ thuật này nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ thành công cao và thực hiện được hầu hết các kỹ thuật điều trị vô sinh trên thế giới đứng đầu”, GS Phượng tự tin.
chữa-bệnh, người-nước-ngoài, đắt-đỏ, chi-phí, tốn-kém
Thụ tinh trong ống nghiệm đang là lĩnh vực “hot” thu hút bệnh nhân nước ngoài điều trị tại Việt Nam
4 năm trước, bác sĩ Phượng và cộng sự ở Việt Nam bất ngờ khi đón tiếp vợ chồng Tiến sĩ S.H, một trong những chuyên gia nổi tiếng về thụ tinh trong ống nghiệm của thế giới đến TPHCM thực hiện kỹ thuật này cho chính vợ chồng ông.
“Ông ấy là đồng tác giả quyển sách giáo khoa về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nổi tiếng nhất thế giới”, GS Phượng nhớ lại.
Sau lời đề nghị của Tiến sĩ S.H, các chuyên gia lĩnh vực vô sinh ở TPHCM đã thực hiện kỹ thuật này cho vợ chồng ông. “Bây giờ cậu con trai của ông đã được 4 tuổi”, GS Phượng khoe, và cho biết mới đây cậu con trai ra đời từ thụ tinh ống nghiệm đã được ông đưa ảnh in lên quyển sách giáo khoa về thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo bác sĩ Phượng, từ năm 2000 trở đi, Việt Nam bắt đầu nhận điều trị thụ tinh trong ống nghiệm cho người nước ngoài và 3 trung tâm thụ tinh ống nghiệm là Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Vạn Hạnh và Bệnh viện Từ Dũ. Riêng Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm có trên 200 trường hợp người nước ngoài đến điều trị.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường- Phụ trách trung tâm điều trị hiếm muộn tại Bệnh viện An Sinh cho biết: “Mỗi năm có khoảng 100 người nước ngoài sang thực hiện thủ thuật điều trị hiếm muộn con. Không chỉ châu Á mà kể cả các nước châu Âu cũng có bệnh nhân sang đây”.
Theo bác sĩ Tường, các kỹ thuật trong điều trị vô sinh hiếm muộn thế giới làm được gì thì mình cũng đều làm được. Lý giải vì sao người nước ngoài sang thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ Tường cho rằng do hiệu quả điều trị thành công cao trong khi giá cả chỉ bằng một nửa so với nước ngoài.
“Thậm chí có trường hợp thất bại khi thực hiện phương pháp này ở nước ngoài nhưng lại thành công ở Việt Nam”, bác sĩ Tường cho hay.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, thụ tinh trong ống nghiệm cũng là lĩnh vực thu hút nhiều người nước ngoài, đặc biệt là các cặp vợ chồng đến từ Mỹ, Pháp, Đức hay Nga.
Tại BV Phụ sản Trung ương tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công từ 50-60%, BV Từ Dũ và An sinh khoảng 65% trong khi ở Thái Lan hay Singapore chỉ khoảng 40-45%.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho biết thụ tinh trong ống nghiệm ở nước ngoài có giá từ 15.000- 30.000 USD nhưng ở Việt Nam chỉ hơn 100 triệu đồng.
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho rằng chất lượng khám chữa bệnh ngày càng tăng cả về hiệu quả điều trị, ứng dụng kỹ thuật cao và thái độ phục vụ, cũng như công tác quảng bá làm cho người nước ngoài biết đến nền y tế của Việt Nam nhiều hơn.
TS.BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 cho biết, sau hơn 10 năm nơi đây đã thực hiện thành công cho 10 ca ghép thận cho bệnh nhân nước ngoài.
“Giá cho một ghép thận ở Việt Nam từ khoảng 50-100 triệu đồng trong khi ở châu Âu có thể lên đến 30.000 Euro”, bác sĩ Phú nói. Tại Singapore chi phí cho một ca ghép tủy cũng lên đến 2 tỷ đồng nhưng ở Việt Nam con số này là 500-700 triệu đồng.

(Theo Tiền Phong)

Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

Sự nguy hiểm của bệnh sởi

Trên thế giới trước khi có văcxin, hằng năm bệnh sởi gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong. Đến nay, sởi vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Năm 2010, trên thế giới cứ mỗi 4 phút có một người chết vì bệnh sởi. 
Tại Việt Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai văcxin.
Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não... là các biến chứng nguy hiểm sau mắc sởi có thể dẫn đến tàn phế, tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.
1. Bệnh sởi lây truyền qua đường nào?
Bệnh sởi do virus sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. 
Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác.
Đây là bệnh lây nhiễm từ người sang người. Không ghi nhận bệnh sởi ở động vật.
2. Có phải bị nhiễm virus sởi thì sẽ mắc bệnh sởi không?
Đúng. Không có trường hợp người lành mang virus. Những người đã có miễn dịch với virus sởi do tiêm văcxin trước đó hoặc từng mắc sởi sẽ không bị mắc bệnh nữa.
can-biet-ve-soi-6140-1397709051.jpg
Nhiều trẻ mắc sởi và bị biến chứng nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Phan Dương.
3. Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi?
Tất cả người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh.
Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là:
- Trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm văcxin.
- Trẻ đã tiêm văcxin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch.
- Thanh niên do chưa từng mắc sởi hoặc tiêm văcxin trước đây.
Do vậy, các nhóm này cần được bảo vệ bằng tiêm văcxin sởi.
Việc ngừng cung cấp dịch vụ tiêm chủng do bất kỳ nguyên nhân nào, sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là những yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.
4. Bệnh sởi có biểu hiện như thế nào?
Trong vòng 7-21 ngày sau tiếp xúc, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi.
Giai đoạn toàn phát, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên.
Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng. 
5. Chẩn đoán bệnh bằng phương pháp gì?
Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm huyết thanh là phương pháp chính xác nhất. Cần lấy 3 ml máu của bệnh nhân trong khoảng 28 ngày kể từ khi phát ban để tìm kháng thể IgM. Nếu kết quả dương tính chứng tỏ bệnh nhân đã mắc sởi.
Bên cạnh đó, có thể chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và các thông tin tiếp xúc với nguồn lây.
6. Làm thế nào để phòng bệnh sởi?
Tiêm văcxin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Khi có ca mắc sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban. Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc.
Khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người.
7. Tiêm văcxin sởi có thể phòng được hoàn toàn không mắc bệnh sởi?
Cũng như các văcxin khác, tiêm văcxin sởi không có hiệu quả phòng bệnh 100%. 
Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm chủng, loại văcxin và tuỳ thuộc đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khoẻ của từng người, chất lượng văcxin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng.
8. Miễn dịch sau tiêm văcxin sởi có bền vững suốt đời?
Tổ chức Y tế thế giới cho biết những trường hợp đã có đáp ứng miễn dịch với sởi sau tiêm văcxin hoặc sau mắc bệnh thì miễn dịch này là bền vững suốt đời.
9. Tại sao phải tiêm hai liều văcxin sởi?
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm văcxin sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch do các yếu tố còn tồn lưu miễn dịch do mẹ truyền, tình trạng sức khỏe, chất lượng bảo quản văcxin...
Việc tiêm mũi văcxin sởi sau 12 tháng tuổi là cơ hội thứ hai tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất hoặc chưa được tiêm văcxin sởi, từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%.
10. Những ai cần tiêm mũi văcxin sởi thứ hai?
Tất cả trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau tiêm mũi thứ nhất văcxin sởi, chưa tiêm văcxin hoặc chưa từng mắc sởi.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo trên thực tế không cần xét nghiệm xác định tình trạng miễn dịch của trẻ để cán bộ y tế chỉ định tiêm văcxin. Do vậy, đối tượng cần tiêm mũi thứ hai là tất cả trường hợp chưa tiêm mũi thứ hai văcxin sởi hoặc những trường hợp không có đầy đủ bằng chứng (phiếu, sổ tiêm chủng) chứng minh đã tiêm mũi thứ hai.
11. Có nên tiêm văcxin đối với người từng mắc sởi?
Những trường hợp đã được xét nghiệm huyết thanh tìm IgM kháng sởi và có kết quả xét nghiệm dương tính không cần tiêm văcxin sởi.
Những trường hợp nghi ngờ mắc sởi trước đây nhưng không được chẩn đoán mắc sởi vẫn cần tiêm.
12. Văcxin có tác dụng phòng bệnh khi đã tiếp xúc với virus sởi không?
Virus sởi cần thời gian để xâm nhập vào các mô cơ thể gây bệnh. Do vậy, văcxin có thể phòng bệnh nếu tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiếp xúc.
Việc tiêm văcxin trong vòng 6 ngày kể từ khi tiếp xúc có thể phòng biến chứng nặng của bệnh.
13. Lịch tiêm văcxin sởi?
Đối với tiêm văcxin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng do Bộ Y tế đã phê duyệt như sau:
- Trong tiêm chủng thường xuyên: Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.
- Trong tiêm chủng chiến dịch: Thực hiện tiêm văcxin cho tất cả đối tượng trong phạm vi của chiến dịch.
- Khoảng cách tối thiểu giữa 2 mũi tiêm văcxin sởi là 1 tháng.
Đối với văcxin tiêm chủng dịch vụ: Tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tất cả lứa tuổi đều có thể tiêm văcxin sởi.
14. Có thể tiêm văcxin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi hoặc trên 18 tháng tuổi không?
Chỉ tiêm văcxin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi khi có chỉ đạo của chương trình tiêm chủng mở rộng trong trường hợp cần thiết. Tất cả trường hợp tiêm văcxin sởi trước 9 tháng tuổi cần tiêm ngay văcxin khi đủ 9 tháng tuổi. Mũi tiêm trước 9 tháng tuổi không được tính là một mũi văcxin.
Những trẻ trên 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi văcxin sởi cần tiêm đủ mũi càng sớm càng tốt.
15. Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm văcxin sởi?
Có. Kháng thể được tạo ra bảo vệ mẹ và bài tiết qua sữa để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch.
16. Những trường hợp nào không nên tiêm văcxin sởi?
Những trường hợp phản ứng nghiêm trọng với liều tiêm văcxin sởi trước đây hoặc phản ứng với các thành phần của văcxin (gelatin, neomycin). Dị ứng với trứng không phải là chống chỉ định.
Không nên tiêm văcxin sởi cho phụ nữ có thai mặc dù không có bằng chứng về tăng tỷ lệ bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh ra. Các trường hợp sau khi tiêm mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để được theo dõi. Cũng như các văcxin sống khác, cần tránh có thai ít nhất một tháng sau tiêm.
Không tiêm văcxin sởi cho các trường hợp suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải (AIDS), đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch liều cao, xạ trị hoặc mắc các bệnh ác tính do ở những trường hợp này, khả năng tạo miễn dịch chủ động bị suy giảm.
Có thể tiêm văcxin sởi cho những người dương tính với HIV nhưng chưa chuyển sang giai đoạn AIDS.
17. Tiêm văcxin sởi có thể bị nhiễm virus sởi không?
Có, bởi vì văcxin chứa virus sởi đã bị làm yếu, nhưng chiếm tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp sau tiêm văcxin bị mắc sởi. Triệu chứng thường nhẹ. Những người này không gây lây nhiễm virus cho người khác nên không cần cách ly.
18. Có thể gặp những tác dụng phụ gì khi tiêm văcxin sởi?
Văcxin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ, có thể biểu hiện như với các văcxin khác: sốt (5-15%), phát ban (5%), sưng, nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm… Hầu hết tác dụng phụ sẽ hết trong khoảng 1-2 ngày mà không cần điều trị gì.
Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm văcxin sởi là rất hiếm gặp, nhưng cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, cán bộ y tế cần theo dõi trẻ trong vòng 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm. Các cơ sở y tế đều sẵn có thuốc điều trị và biện pháp xử trí những phản ứng nghiêm trọng này. Các phản ứng quá mẫn này sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.
(Chương trình tiêm chủng mở rộng)

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Tết đến: eo ôi mì tôm!

100% mẫu mì tôm, măng tươi đều có axít oxalic - tác nhân gây ra sỏi thận nguy hiểm là thông tin gây sốc được Phó Chủ tịch Hội Y tế công cộng Phạm Ngọc Sơn công bố chiều qua tại hội thảo về an toàn thực phẩm, được tổ chức tại TP.HCM.
      
Nhiều mẫu mỳ tôm cả nội lẫn ngoại đều chứa axít oxalic.
Tết Nguyên đán cận kề cũng là lúc tiệc tùng, cỗ bàn diễn ra liên miên, bởi hàng nào cũng muốn tích trữ thật nhiều. Vậy nhưng thông tin vừa được công bố khiến không chỉ người tiêu dùng, giới kinh doanh mà đến các chuyên gia cũng tỏ ra bất ngờ, dù trước đó đã nhiều thực phẩm được phát hiện có nhiễm axít oxalic. Và loại axit này chỉ có thể phát hiện được khi có thử nghiệm hóa học. Vậy nên người tiêu dùng không khỏi hoang mang, nhưng cũng chỉ biết mua hàng bằng cảm tính hoặc nhắm mắt mua liều. Tuy nhiên, con số 100% măng đều ngậm độc thì quả thật đáng sợ
 
Không chỉ măng mà loại thực phẩm đang được sử dụng hằng ngày ở các gia đình là mì ăn liền cũng được xác định nhiễm hóa chất này. Bên cạnh đó còn có những thực phẩm khác cũng bị nhiễm như há cảo, nấm mèo, bánh bông lan, bánh cuốn, cà rốt, trà… Đây mới chỉ là những sản phẩm được kiểm tra ngẫu nhiên, và hầu hết đều có nhiễm hóa chất, vậy nếu kiểm tra đại trà trên diện rộng thì số thực phẩm ngậm độc chắc chắn còn lớn hơn nhiều với tỷ lệ đủ khiến nhiều người phải sốc nặng.
 
Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm đang dùng axít oxalic như một chất tẩy trắng, bất chấp loại axít này vốn không được phép dùng trong chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, axít oxalic vốn có nhiều trong các rau quả, thực phẩm tự nhiên nên cũng rất khó để xác định những loại thức ăn, bún, mỳ tôm… có axít oxalic là do nhân tạo hay là do thành phần tự nhiên của sản phẩm tạo thành.
 
Hồi tháng 7 năm nay, trong 7 mẫu bún tươi, bánh canh, thực phẩm làm từ gạo lấy ngẫu nhiên ở các điểm bán nhỏ lẻ ngoài thị trường, Chi cục An toàn thực phẩm TP.HCM đã phát hiện 2 mẫu chứa aítt oxalic với hàm lượng 54,5 và 304mg/1kg.
 
Đến tháng 9 lực lượng chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến măng chua của ông Nguyễn Văn Lâm ở ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành. Tại thời điểm kiểm tra, nhà ông Lâm có chứa gần 100 tấn măng chua. Kết quả kiểm nghiệm, số mẫu măng le muối thành phẩm có chứa 680 mg/kg axít oxalic, mẫu măng tre muối thành phẩm có chứa 61,4 mg/kg axít oxalic. Mẫu nước ngâm măng cũng có chứa 45,5 mg/kg axít oxalic. Kiểm định mẫu nước thải cho kết quả chất COD vượt 11 lần, BOD vượt 18 lần, Coliform vượt trên 48 lần mức cho phép. Ông Lâm đã thừa nhận dùng axít oxalic tẩy trắng cho măng.
 
Vào tháng 10 cục An toàn thực phẩm TP.HCM đã tiến hành lấy 4 mẫu hủ tíu khô, mì căn, mì sợi khô đem đi kiểm nghiệm cũng đều có chứa axít oxalic.
Axít oxalic nếu tích tụ lâu ngày trong cơ thể sẽ là nguyên nhân gây nên những căn bệnh như sỏi thận, hại đến các khớp xương… vì vậy những người bị sỏi thận cũng cần tránh những loại thực phẩm, rau củ hay mỳ tôm vốn chứa nhiều axít oxalic.
 
Càng gần đến Tết những thông tin thực phẩm bẩn lại càng dồn dập, ban đầu người tiêu dùng còn cảm thấy e ngại và sợ sệt tìm cách phòng chống. Song nếu cứ chỉ tẩy chay để được làm người tiêu dùng thông minh thì có lẽ sẽ chẳng còn gì để ăn uống cho đảm bảo an toàn với tần suất hàng bẩn ngày càng nhiều và lan rộng như hiện nay nếu không có sự can thiệp của giới chức và chuyên môn. Nhưng lại thì thấy các biện pháp của các cơ quan liên quan đưa ra cũng chỉ như là gãi ngứa ngoài giày. Và vì không có những chương trình kích cầu, khuyến nông nên người sản xuất cứ vô tư dùng hóa chất để làm đẹp thực phẩm, tăng lợi nhuận cho hàng hóa, còn người bán thì tìm mọi cách để bảo quản kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm bất kể an toàn hay không. Thế nên dù có thông minh đến đâu thì người dân vẫn cứ rơi vào cái vòng luẩn quẩn và sa vào ma trận thực phẩm bẩn và độc mà chẳng thể tìm lối ra.
 

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Ngô biến đổi gene giúp dân Tây Ban Nha tiết kiệm gần 200 triệu euro

Tiết kiệm 156 triệu Euro, tương đương gần 4.500 tỷ đồng; giảm khí thải C02 là thành tựu đáng ghi nhận có được từ việc thương mại hóa ngô biến đổi gene chống sâu đục thân tại Tây Ban Nha trong 15 năm qua.
Một giống ngô biến đổi gene. Ảnh: motherearthnews.com.
Một giống ngô biến đổi gene. Ảnh: motherearthnews.com.
Nhân kỷ niệm 15 năm (1998 - 2013) cây ngô biến đổi gene chống sâu đục thân chính thức cho phép trồng tại Tây Ban Nha, Quỹ Antama vừa công bố báo cáo “15 năm trồng ngô biến đổi gene tại Tây Ban Nha -  Những lợi ích về kinh tế xã hội và môi trường”, được chủ trì bởi tiến sĩ kinh tế Laura Riesgo đến từ Đại học Oveido.
Báo cáo là công trình nghiên cứu hoàn chỉnh với các đánh giá tổng quan dựa trên khoa học. Đây cũng được xem là kết quả nghiên cứu đầu tiên, chuyên biệt phân tích các lợi ích của việc ứng dụng cây ngô biến đổi gene chống sâu đục thân tại Tây Ban Nha. 
Báo cáo kết luận việc ứng dụng trồng ngô biến đổi gene chống sâu đục thân tại Tây Ban Nha đã giúp quốc gia này giảm thiểu hơn 850.000 tấn ngô nhập khẩu từ năm 1998 đến 2013, qua đó tiết kiệm khoảng 156 triệu euro. 
Trong 15 năm qua, ngô biến đổi gene đã giúp Tây Ban Nha sản xuất thêm 853.201 tấn ngô hạt. Ngô biến đổi gene còn giúp gia tăng quá trình cố định hoá carbon tương đương với khoảng 662.937 tấn khí CO2 (khối lượng tịnh), điều này đồng nghĩa với việc giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 22.934 xe ô tô hàng năm tại Tây Ban Nha.
Lợi ích kinh tế mang lại từ việc ứng dụng ngô biến đổi gene chống sâu đục thân là  chi phí đầu tư thấp nhờ việc giảm liều lượng thuốc trừ sâu sử dụng, giảm chi phí đầu vào; đồng thời tăng năng suất là do bảo đảm được năng suất thu hoạch không bị thất thoát do tác hại của nấm mốc (mycotoxins) và của sâu đục thân ngô.
Theo báo cáo, ngô biến đổi gene còn giúp hạn chế những ảnh hưởng bất lợi đối với một số loại côn trùng có lợi. Năng suất trung bình tăng 7,38% tới 10,53% tuỳ thuộc vào địa bàn canh tác và mức độ sâu bệnh hại mỗi vụ.
Theo các nhà khoa học, lợi ích lớn nhất mà ngô biến đổi gene đem lại là mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mà  nông dân thu về so với cây ngô truyền thống. Trung bình mỗi ha ngô biến đổi gene sẽ đem về cho nông dân thêm 147 euro (tương đương 4,2 triệu đồng). Cùng với các lợi ích về kinh tế, canh tác ngô biến đổi gene cũng giúp nông dân dễ dàng và thuận lợi hơn trong việc chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.
Mới đây, công bố về một loại ngô biến đổi gene có thể khiến chuột ung thư được cho là nghiên cứu đầu tiên về mặt trái của cây trồng biến đổi gene, đã bị tạp chí khoa học nổi tiếng rút bài. Tác giả nghiên cứu là Gilles Eric Séralini, từ Đại học Cannes. Thông tin này cũng gặp sự phản đối của nhiều nhà khoa học trên thế giới. "Có rất ít bằng chứng khoa học uy tín trong nghiên cứu", chuyên gia công nghệ sinh học Martina Newell-McGloughlin, Đại học California, Mỹ nói.
Tân Trung