Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Người khuyết tật không khóc nổi ở Việt Nam

Tháng 5 này, Nick Vujicic, chàng trai người Úc không chân tay, đã đi khắp thế giới truyền cảm hứng và lòng can đảm cho mọi người, sẽ tới Việt Nam. Hẳn Nick sẽ được chào đón bởi rất nhiều người hâm mộ, bao gồm cả những ông bố bà mẹ "phát sốt" với chuyện tình đẹp của vợ chồng anh.
 
Nick có thể sống được ở Việt Nam không?
Tuy nhiên, hãy tưởng tượng, nếu Nick sinh ra ở đây, anh sẽ làm được gì nào? Nick chỉ tới Việt Nam trong vài ngày để "truyền lửa", nhưng nếu ở lâu hơn, anh sẽ "chào thua" và ngưỡng mộ những người đồng cảnh ở đất nước Đông Nam Á này!
Ở một đất nước từng được đánh giá người dân hạnh phúc thứ hai thế giới, Nick sẽ có gì? Không giao thông tiếp cận: truyền hình Việt Nam từng thử cho phóng viên ngồi xe lăn và anh ta chỉ có thể "ngồi nguyên một chỗ".
Chăm sóc y tế ư? Nick sẽ chẳng có cơ hội trong những hàng dài chờ đợi. Còn nếu may mắn anh sẽ tìm được một chỗ trong... gầm giường bệnh viện. Hệ thống giáo dục ở đây thì đã được vị giáo sư từng đạt giải thưởng toán học Fields gọi là "sự tha hóa"...
Và người dân, với những "hành trang" như thế, đang vừa gắng sức đưa đất nước đầy khó khăn đi lên, vừa chống chọi với thứ "hoa hồng độc", có thể nở ra từ bất kỳ vật liệu nào, sắt, thép, thậm chí là từ... người điên, như một bài báo trên Tuần Việt Nam của tác giả Kỳ Duyên đề cập.
Nếu sống ở đây, Nick cũng khó có cơ may gặp được người bạn đời xinh đẹp đang song hành cùng anh. Có lẽ bố mẹ của các cô gái quá hãi hùng với điều kiện sống và cơ sở hạ tầng dành cho người khuyết tật ở đây để có thể tin tưởng giao con mình cho chúng tôi.

Tháng 5 này, Nick Vujicic sẽ tới VN
Ở nơi đây, đạo đức được rao giảng khắp nơi, nhưng khi có người lăn ra đường sau tai nạn giao thông, có thể sắp thành tàn phế hoặc chết, thì một số kẻ lại tranh thủ cuỗm luôn đồ đạc của nạn nhân!
Từng dự những hội thảo có sự hiện diện của Liên Hợp Quốc, tôi chứng kiến các quốc gia khác đã ngưỡng mộ Việt Nam ra sao. Ngưỡng mộ vì ở đây chúng tôi không thiếu một văn bản pháp quy nào liên quan đến người khuyết tật, nhưng chính việc thực thi lại... khiếm khuyết đáng lo ngại.
Ngay tại thủ đô Hà Nội, trường học cho trẻ khuyết tật vừa khó tìm, điều kiện hòa nhập cũng đầy khó khăn khi thiếu đủ thứ, từ giáo viên đến công cụ hỗ trợ, v.v... Các cơ sở dạy nghề dành cho người khuyết tật cũng tương tự, tình trạng tái mù nghề diễn ra nhanh chóng.
Như vậy đấy Nick! Để một người khuyết tật có thể ngẩng cao đầu tự lo cho bản thân bằng nghề nghiệp ở đây là gần như không thể. Còn những hoạt động văn hóa, giải trí cũng là không tưởng, khi mà ngay người bình thường cũng còn chưa có đủ.

Tất nhiên, chúng tôi không khóc ở đây!
Nhưng Nick ạ, chúng tôi không khóc ở đây.
Không khóc vì chúng tôi còn phải đối mặt với nhiều điều bất bình đẳng, đấu tranh hàng ngày hàng giờ với khó khăn và chẳng có thời gian để rơi nước mắt.
Là một người nghiên cứu về hiệu suất lao động, tôi tìm ra một điều thú vị. Đó là, hiệu suất làm việc của nhân viên tại các tập đoàn nhà nước kém xa của người khuyết tật thuộc doanh nghiệp đa phần là người khiếm khuyết.
Nếu đến trạm nghỉ từ Hải Dương tới Hạ Long, bạn sẽ chứng kiến nườm nượp khách nước ngoài nghỉ chân mua hàng thủ công của các em khuyết tật. Bạn tôi, là chủ doanh nghiệp đó tiết lộ, về tỷ suất sinh lợi thì nhiều tập đoàn nhà nước có mơ cũng không sánh được với họ. Dễ hiểu thôi, những "xác chết biết đi", zombies, như cách TS. Alan Phan gọi, sao có thể so sánh với quyết tâm làm việc của những con người, dù họ có khuyết thiếu cơ thể.
Từng là một học sinh giỏi toán, nhưng sau tai nạn, trở thành người khuyết tật, tôi đã bị từ chối quay lại trường đại học đang học. Sau đó, tôi nhận được học bổng của Quỹ đầu tư mang tên Roosevelt (Rooseveltinvestments) để du học tại Mỹ.

Những sản phẩm thủ công tinh xảo do người khuyết tật làm ra. Ảnh: http://hongngocvn.com
Theodore Roosevelt là một trong 4 vị tổng thống vĩ đại được khắc trên núi đá lớn ở South Dakota, Mỹ. Nhưng trái tim tôi lại ghi khắc hình ảnh về một vị tổng thống Roosevelt xuất sắc khác - Franklin D.Roosevelt. Ông là vị tổng thống duy nhất tại nhiệm hơn 3 nhiệm kỳ, vị tổng thống ngồi xe lăn đưa nước Mỹ vượt qua khủng hoảng kinh tế thập niên 1930 và chiến tranh thế giới thứ 2.
Giờ đây, nếu tôi được xuất hiện bên cạnh các nhà lãnh đạo đất nước, tôi tin hình ảnh về một Việt Nam tôn trọng quyền con người, dân chủ, công bằng và văn minh sẽ rạng rỡ trước bạn bè thế giới. Và trong bất cứ cuộc đàm phán thu hút đầu tư nào, tôi nghĩ mình cũng có thể góp phần giúp đất nước trở thành một điểm đến của dòng tiền thông minh.
Tôi cũng có thể xuất hiện cạnh một vị Bộ trưởng Giao thông cùng thị sát tất cả nhà ga, bến cảng, hệ thống giao thông công cộng... để đánh giá công năng phục vụ người khuyết tật của các công trình này.
Như vậy, sự xuất hiện của một người khuyết tật như tôi bên cạnh một nhà lãnh đạo sẽ rất có ý nghĩa. Điều đó không chỉ động viên tinh thần của nhóm các đối tượng bị tổn thương, mà còn cổ vũ và tăng cao hiệu suất làm việc của bất cứ người dân nào, để hướng đến một Việt Nam phát triển.
Nhìn vào Đề án quốc gia trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 của Chính phủ, chúng ta không khỏi giật mình. Chỉ vài năm nữa, đất nước phải có 50% và đến 2020 là 100% các công trình công cộng có thể tiếp cận người khuyết tật. Tôi tin để điều đó thành hiện thực, để Việt Nam trở thành điểm đến của văn minh, bản thân người khuyết tật chúng tôi cũng cần nỗ lực cùng người dân và Chính phủ.
Nick ạ, ở đây chúng tôi có những con người dám đương đầu với số phận, với rào cản từ cơ sở hạ tầng, và lớn hơn là từ nhận thức xã hội. Chúng tôi vẫn chiến đấu không ngừng để người khác phải nghiêng mình!
Ở Việt Nam, con số gần 10% dân số là người khuyết tật có khiến bạn suy nghĩ? Theo nghiên cứu của tôi, khuyết tật ảnh hưởng ít nhất đến 1/3 dân số. Nếu chính sách xã hội không phù hợp sẽ là nguyên nhân hạn chế sự phát triển.
Nhưng ở đây chúng tôi đã và đang bắt đầu thay đổi để Việt Nam trở thành một xã hội không "rào cản" - không chỉ cho người khuyết tật, mà còn cho những người may mắn được già... Tôi tin vào một Việt Nam phát triển và những con người có lương tri ở đất nước này, Nick Vujicic ạ!

Phạm Xuân Thanh
(Nguồn: tuanvietnam.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét